Kiến nghị của gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng đối với các cấp chính quyền TP Hà Nội
Pháp luật - Bạn đọc 23/06/2023 09:43
Tóm tắt nội dung đơn như sau: Năm 1964, hưởng ứng lời kêu gọi tòng quân chống Mỹ, cứu nước, Nguyễn Kim Đồng chia tay mẹ già và người vợ đang mang thai con trai thứ 2 (ông Nguyễn Minh Tuấn, người được ủy quyền giải quyết các chính sách liên quan đến gia đình liệt sĩ) lên đường nhập ngũ. Đến năm 1968, gia đình nhận được giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Kim Đồng.
Vượt lên khó khăn thời chiến, và những năm gian khó của thời bình, một mình cụ Đỗ Thị Chuông (vợ liệt sĩ Nguyễn Kim Đồng) đã chăm sóc mẹ chồng già yếu và nuôi dạy 2 con nhỏ của liệt sĩ.
Giấy cấp đất của phường Dịch Vọng cho gia đình cụ Chuông. |
Cảm thông hoàn cảnh gia đình liệt sĩ, ngày 9/3/1987, UBND xã Mai Dịch đã cấp cho gia đình mảnh đất 5% ở cánh đồng Cốm (nay là số nhà 68 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quân Cầu giấy, TP Hà Nội) diện tích 833,4m2. Nhờ có mảnh ruộng này mà mẹ con gia đình liệt sĩ đã vượt qua được những tháng ngày khó khăn trong những năm 80-90 của thế kỉ trước, để sống và nuôi dạy con cháu đến ngày nay.
Đến khi TP Hà Nội xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng thì mảnh đất của gia đình cụ Chuông nằm trong số đất không được cấp nước phục vụ cho sản xuất, nên không thể canh tác được. Vì vậy, gia đình liệt sĩ đã chuyển sang làm nghề phụ để sinh sống.
Năm 1996, UBND TP Hà Nội có chủ trương thu hồi mảnh đất của gia đình liệt sĩ để xây dựng Triển lãm Nông nghiệp. Sau đó, chủ đầu tư Triển lãm Nông nghiệp là bà Lã Thị Kim Oanh bị bắt, do vi phạm pháp luật. Từ thời điểm đó đến nay, gia đình cụ Chuông chưa được phổ biến chính sách đền bù cũng như chưa nhận được bất kì khoản đến bù nào của Triển lãm Nông nghiệp.
Bằng một phép màu nào đó, đến ngày 24/12/1998, Triển lãm Nông nghiệp (hiện đổi tên thành Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp) đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00203, trong đó bao gồm toàn bộ mảnh đất mà gia đình cụ Chuông đang sinh sống. Như vậy, kể từ thời điểm đó, gia đình cụ Chuông đã trở thành ở nhờ Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, đến cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội có chủ trương thu hồi đất để mở rộng đường Vành đai III, trong đó có 546m2 đất của gia đình cụ Chuông nằm trong diện thu hồi, giải tỏa.
Ngày 7/6/2017, UBND quận Cầu Giấy đã ra 2 Quyết định số 2563/QĐ-UBND và 2564/QĐ-UBND để thu hồi 546m2 đất của gia đình cụ Chuông. Trong 2 quyết định trên, chỉ có 90m2 đất được nhận đúng đơn giá đền bù thời điểm đó là 7.649.000đồng/m2; số còn lại được áp giá 252.000đồng/m2 mà không nhận được bất cứ lời giải thích nào từ UBND quận Cầu Giấy cũng như Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cùng trên một thửa đất có cùng nguồn gốc đất mà gia đình liệt sĩ đã phải chịu thiệt thòi 3.373.305.000 đồng. Không những thế, khi tiến hành đền bù, UBND quận Cầu Giấy còn cố tình treo lại 22.680.000 đồng của gia đình, với lí do khiếu kiện vô căn cứ.
Sau thời gian dài khiếu nại, đến 31/8/2022, UBND quận Cầu Giấy mới chấp nhận chi trả số tiền 22.680.000 đồng cho gia đình.
Hiện tại, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng đang phải sống tạm bợ trong diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi giải phóng mặt bằng, không thể xây, sửa được do đất không có sổ đỏ.
Cụ Đỗ Thị Chuông, vợ liệt sĩ Nguyễn Kim Đồng, năm nay đã 83 tuổi, có nỗi niềm đau đáu là mong các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết dứt điểm các oan sai, để gia đình có nơi thờ tự liệt sĩ được uy linh, trang trọng.
Thiết nghĩ, sắp tới ngày 27/7, là ngày mà Nhân dân cả nước hướng về việc đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc. Đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy nhanh chóng vào cuộc xem xét, có các biện pháp giải quyết kịp thời, cụ thể để thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa và tính nhân văn của đạo lí “uống nước nhớ nguồn” đối với gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng.