“Hồ Xuân Hương tiếng vọng” tiểu thuyết lịch sử nhiều cứ liệu mới
Nghiên cứu - Trao đổi 24/10/2022 09:00
Tháng 10 năm ngoái, Nhà xuất bản Hồng Đức đã cấp giấy phép cho tác phẩm “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng, sách dày 316 trang, ra mắt đúng 49 ngày, thì ngày 23/11/2021 tổ chức UNESCO đã vinh danh “Danh nhân văn hóa cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” đã góp tiếng nói đặc biệt và duy nhất làm rõ thân thế của nữ sĩ từ quê hương Quỳnh Đôi đất linh địa, với dòng họ Hồ khoa bảng. Khẳng định rõ thân phụ của nữ sĩ là cụ Hồ Phi Diễn, phần mộ song thân nữ sĩ chôn cất ở nghĩa địa Đồng Táo, hiện chìm trong sóng nước Hồ Tây.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sinh ngày 13/7 âm lịch năm Quý Tỵ 1773 (theo hồ sơ trình UNESCO lấy năm sinh của nữ sĩ là 1772), nữ sĩ mất ngày 14/8 năm Nhâm Ngọ 1822, tuổi mệnh 49.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là vợ ba ông Nguyễn Bình Kình (Tổng Cóc, Đội Kình- Chiêu Hổ) ở làng Gáp, nay thuộc xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, năm 1802 khi nữ sĩ 29 tuổi.
Năm 1804, Xuân Hương rời nhà Tổng Cóc về kinh thành Thăng Long, để lại bài thơ nổi tiếng “Lấy lẽ” và “Khóc ông Tổng cóc”.
“Hồ Xuân Hương tiếng vọng” . |
Năm 1810, nàng thơ dựng Cổ Nguyệt đường đối diện với Đền Quán Thánh. Từ hội thơ Cổ Nguyệt đường, người thơ đã gặp Trần Phúc Hiển (tức Mai Sơn Phủ), tri phủ Tam Đái (trấn Sơn Tây) miền đất tiền thân của phủ Vĩnh Tường ngày nay. Tháng 12 năm 1813, Trần Phúc Hiển được thăng chức Tham hiệp trấn Yên Quảng. Trước khi đi nhậm chức Phúc Hiển đã có lễ ăn hỏi Xuân Hương hẹn năm sau sẽ làm lễ cưới và đón nàng thơ về làm “Bà chúa vùng Đông Hải”. Cuối năm 1814, bà Hà Thị - mẹ nữ sĩ qua đời. Hết đại tang mẹ, cuối năm 1816, Trần Phúc Hiển đã cưới nữ sĩ Xuân Hương và đưa nàng về trấn Yên Quảng. Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang, tháng 5/1818 Phúc Hiển bị bắt vì vụ trọng án. Xuân Hương đôn đáo chạy kêu oan cho chồng vào Nam ra Bắc. Ngày 16/9 âm lịch năm Kỷ Mão (1819), Trần Phúc Hiển qua đời. Qua đại tang chồng 27 tháng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua đời ngày 14/8 âm lịch năm Nhâm Ngọ. Giai đoạn này nữ sĩ để lại những bài thơ nổi tiếng “Bánh trôi nước”, “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”.
Phần mộ nàng thơ lúc đầu chôn cất ở nghĩa địa phủ Tây Hồ. Theo nghiên cứu của tác giả, xác minh dấu tích mộ nữ sĩ đã đưa về quê chồng, hiện chôn cất ở phường An Sơn, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đó là ngôi mộ cổ vô thừa nhận có minh bia ghi lại năm xây dựng lăng mộ 1850.
Một năm sau sự kiện “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, nhân ngày 20/10 Ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, nhà báo Nghiêm Thị Hằng ra mắt tác phẩm mới “Hồ Xuân Hương tiếng vọng”.
Theo tác giả, “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” chỉ là những thông tin ban đầu về thân thế của nữ sĩ. Nhờ có nhân duyên, tôi nghe được tiếng vọng của người xưa lấy bút mà ghi những thật thật, hư hư, mong sao ngày mai trời sẽ rạng. Và thế là tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương tiếng vọng “ ra đời, được Nhà Xuất bản Văn học cấp phép. Sách dày 344 trang gồm 5 phần: Phần I: Quả ngọt cuối mùa; Phần II: Thời thiếu nữ kiêu sa; Phần III: Lấy chồng làng Gáp; Phần IV: Chữ tài gắn với chữ tai.
Đây là món quà tri ân của tác giả dâng lên nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân dịp tỉnh Nghệ An tổ chức đón nhận Danh nhân văn hóa cho “Bà Chúa thơ Nôm” nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào tháng 11/2022 sắp tới.