Góc khuất vụ án tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, TP Hà Nội: Biến đất công sản thành tài sản riêng của gia đình bà Nguyễn Thị Nhị (Bài 2)
Pháp luật - Bạn đọc 21/03/2019 14:01
Hành trình biến nhà đất công sản đến việc bán nhà theo Nghị định 61/CP cho gia đình bà Nhị.
Năm 1990, do chưa điều kiện thực hiện được việc di chuyển hộ bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi số 9 Nguyễn Đình Chiểu, nên Hội Nhà văn xây tạm ngôi nhà cấp 4 (gồm 20m2 diện tích ở và 6m2 diện tích phụ) cho gia đình bà Nhị tạm lưu cư, (theo biên bản thỏa thuận ngày 5/10/2991 giữa Hội Nhà văn và gia đình bà Nhị). Như vậy ngôi nhà cấp 4 bà Nhị ở, không phải là tài sản nhà tự quản của MTTQ Việt Nam xây dựng phân cho bà Nhị năm 1984, như nội dung Văn bản số 2314/TTTW-BTT ngày 11/7/2007của MTTQ Việt Nam xác nhận gửi Sở TNMT&NĐ và Ban 61/CP.
Trở lại Quyết định số 84/MTTW ngày 15/2/1984, MTTQ Việt Nam bố trí nhà cho bà Nhị 30 m2 ở phía sau biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu, đã được Biên bản thỏa thuận ngày 5/10/1991 giữa gia đình bà Nhị với Hội Nhà văn thay thế, khi gia đình bà Nhị được lưu cư 26 m2 đầu hồi bên phải tòa thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Chính gia đình bà Nhị cũng công nhận Hội Nhà văn Việt Nam mới là cơ quan quản lý công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, do đó năm 2002, bà Nhị phải làm đơn xin phép Hội Nhà văn cho gia đình bà thay ngói bằng mái bằng để sửa chữa chống dột. Nếu năm 2007, bà Nhị có đơn đề nghị Hội Nhà văn xác nhận để gia đình bà được mua nhà theo Nghị định 61/CP, thì sẽ không bao giờ được chấp thuận, vì Hội Nhà văn đang quản lý công sản không bao giờ làm việc trái pháp luật. Ở tình thế này, bà Nhị đã đề nghị MTTQ Việt Nam (cơ quan không có thẩm quyền về khối công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu) xác nhận. Theo đề nghị của bà Nhị, ngày 11/7/2007, MTTQ Việt Nam kí Văn bản số 2314/TTTW-BTT, xác nhận nhà bà Nhị được phân thuộc nhà tự quản, gửi Sở TNMT&NĐ và Ban 61/CP, đề nghị cho bà Nhị được mua nhà theo Nghị định 61/CP. Đây là văn bản không đúng thẩm quyền và sai sự thật về nguồn gốc 26m2 nhà đất công sản do gia đình bà Nhị đang ở lưu cư tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Văn bản như “dạng chui” này chỉ để phục vụ đề nghị của bà Nhị, trong khi đó chủ quản lý công sản này là Hội Nhà văn không được biết.
Công văn của Bộ Tài chính khẳng định hộ bà Nhị ở lưu cư tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu phải chuyển ra khỏi trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam |
Sau Văn bản của MTTQ Việt Nam, ngày 30/7/2007, Sở TNMT&NĐ TP Hà Nội ra Quyết định số 649/QĐTNMT&NĐ-B61 tiếp nhận nhà thuộc sở hữu của Nhà nước do MTTQ Việt Nam quản lý cho thuê, sang Sở này tiếp tục quản lý. Từ đây nhà đất công sở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu lại tiếp tục được biến hóa để hợp thức hóa.
Như có sự sắp xếp trước, cùng ngày 11/7/2007 MTTQ Việt Nam kí Văn bản số 2314/TTTW-BTT, thì bà Nhị có đơn đề nghị bán nhà cho người đang thuê và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), với diện tích trong hợp đồng thuê là 30m2, diện tích ngoài hợp đồng là 11,59m2. Sự thật tại thời điểm này hộ bà Nhị ở 26 m2 lưu cư, không có hợp đồng thuê nhà và MTTQ Việt Nam không phải là cơ quan quản lý cho thuê căn hộ của bà Nhị. Từ việc Sở TNMT&NĐ và Ban 81 tiếp quản nhà tự quản của hộ bà Nhị, Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội giao cho Công ty Quản lí và Phát triển nhà Hà Nội đo vẽ kiểm tra thực địa, hướng dẫn gia đình bà Nhị lập hồ sơ thủ tục bán nhà.
Trong hồ sơ có văn bản của UBND phường Nguyễn Du, xác nhận hợp thức hóa nhà đất lưu cư của nhà Nhị “hiện trạng không có tranh chấp khiếu kiện, trong sử dụng nhà ở, đất ở” việc này cũng chỉ bà Nhị biết, còn cơ quan quản lý đất công sản số 9 Nguyễn Đình Chiểu là Hội Nhà văn không hề hay biết. Hồ sơ kỹ thuật thửa đất áp giá bán cho gia đình bà Nhị, diện tích sở hữu 41,59m2, diện tích đất ở và sử dụng riêng 45,2 m2 (tăng 19,2 m2) so với đất nhà bà ở lưu cư, thiếu chữ kí của hộ liền kề, Hội Nhà văn cũng không hay biết.
Hành trình từ nhà lưu cư trên đất công sản số 9 Nguyễn Đình Chiểu của gia đình bà Nhị trở thành nhà tự quản để được Hội đồng bán nhà thành phố đưa vào danh sách nhà được duyệt bán theo Quyết định số 813 ngày 31/8/2007. Đây chính là quyết định quan trọng trong hệ thống văn bản được “phù phép” về nguồn gốc đất ở của gia đình bà Nhị, được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng hợp thức hóa. Ngày 7/9/2007, gia đình bà Nhị chính thức được ký hợp đồng mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước số 2289/HĐMB.
Hợp thức hóa sổ đỏ và Giấy phép xây dựng, 45,2 m2 đất công sản thành đất tư nhân
Sau khi hộ bà Nhị hoàn tất các thủ tục mua nhà, nộp xong nghĩa vụ thuế thì ngày 16/112007 Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội, có Tờ trình số 454/TTr-CGCN và gửi kèm hồ sơ tới UBND quận Hai Bà Trưng, trình cấp sổ đỏ cho gia đình bà Nhị. Ngày 24/12/2007 ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng kí cấp sổ đỏ mang số 010701554000755, hồ sơ gốc số, 1881.61.207, diện tích 45,2 m2, cho bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình (chồng bà Nhị). Cuốn sổ đỏ thiếu thông tin về số thửa, tờ bản đồ, không đúng quy định của pháp luật, lại là căn cứ về quyền sở hữu đất của bà Nhị, từ đó được cấp Giấy phép xây dựng tạm số 490.9.2010/GPXD ngày 30/9/2010. Năm 2010, gia đình bà Nhị phá dấu tích 26m2 nhà lưu cư do Hội Nhà văn xây, để xây nhà 4 tầng trên mặt bằng 30 m2 (trong khuôn viên đất 45,2 m2), lúc này Hội Nhà văn mới biết, đất công sản do mình quản lý đã bị thôn tính.
Và từ đây tranh chấp đất đai liên quan đến xây dựng nhà bà Nhị với Hội Nhà văn bùng nổ, kéo theo một loạt các thủ tục “không thể thiếu” của quy trình “hóa giá”, hành trình của các giấy tờ văn bản được cấp chính quyền, các cơ quan “phù phép” để biến 45,2 m2 đất công sản tại nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu thành đất của hộ bà Nhị bị phát lộ. Bắt đầu từ Văn bản số 2314/TTTW-BTT ngày 11/7/2007 của MTTQ Việt Nam, đến khi gia đình bà Nhị được cấp sổ đỏ ngày 24/12/2007, diễn ra trong 5 tháng 13 ngày. Chỉ bấy nhiêu ngày, sự thật, công lý, pháp luật, đã bị “bóp méo, phù phép” theo hàng loạt các văn bản có con dấu đỏ. Dù vô tình hay hữu ý, dù non kém pháp luật, hay cố tình làm sai, tất cả các văn bản chỉ để biến 45,2 m2 đất công sản trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành tài sản riêng của gia đình bà Nhị.
Nhà bà Nguyễn Thị Nhị xây 4 tầng tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu hiện đang cho thuê là phòng khám Răng-Hàm-Mặt |
Hành trình 8 năm để đến với bản án sơ thẩm còn nhiều khuất tất!?
Trong quá trình khiếu nại, Hội Nhà văn Việt Nam mới biết, suốt 3 năm từ năm 2007-2010 đã có “chiến dịch ngầm” bởi một đường dây tổ chức hợp thức hóa giấy tờ, bỏ qua sự thật và pháp luật, nhằm biến 45,2m2 đất công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, thành nhà đất tự quản bán theo Nghị định 61/CP.
Không thể giải quyết tranh chấp theo hành chính, buộc Hội Nhà văn phải khởi kiện UBND quận Hai Bà Trưng về việc cấp sổ đỏ cho gia đình bà Nhị. Tuy nhiên, việc TAND quận Hai Bà Trưng xét xử UBND quận Hai Bà Trưng là điều "khó khăn", nên đơn khởi kiện được nhà tòa “nghiên cứu” kỹ. Thụ lý đơn ngày 30/6/2016, sau một số lần hoãn xử, đến ngày 26/11/2018, vụ án được đưa ra xử sơ thẩm đầy "khiên cưỡng".
Tòa tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam, vì quy trình cấp sổ đỏ cho gia đình bà Nhị là đúng pháp luật.
Đúng là việc cấp dưới xử cấp trên thua kiện không dễ. Quy trình bán nhà theo Nghị định 61/CP là đúng, quy trình cấp sổ đỏ cũng đúng, nhưng nó chỉ đúng trên cơ sở các văn bản đã được hợp thức hóa, bất chấp pháp luật, biến 45,2 m2 đất công ở số 9 Nguyễn Đình, thành nhà đất tự quản để bán. Góc khuất này, sự thật này, tất thảy những ai có lương tâm đều thấy rõ, nhưng vì sao Tòa sơ thẩm không thấy rõ? Đó là nỗi buồn khi công lý bị bẻ cong!? Vụ thôn tính 45,2 m2 đất công sản mặt đường Nguyễn Đình Chiểu thành đất tư nhân không chỉ thiệt hại kinh tế cho Nhà nước nhiều tỉ đồng, mà còn làm giảm lòng tin của Nhân dân vào chính quyền và các cơ quan chức năng.
Trần Thị Thực