Giữ hộ!
Trong mắt người già 17/04/2024 14:47
Kể ra 35 tỉ đồng mà ông Ca “giữ hộ” của vợ chồng Trương Xuân Đước khá lớn, nhưng so với số tiền mà nhiều cán bộ nhà nước “giữ hộ” của doanh nghiệp thời gian qua cũng không hề nhỏ. Ngược thời gian về trước, ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… cũng “giữ hộ” ông chủ Việt Á số tiền kha khá. Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, ông Tô Anh Dũng, “giữ hộ” doanh nghiệp hơn 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, “giữ hộ” hơn 25 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, “giữ hộ” hơn 12 tỉ đồng; Phạm Trung Kiên, nhận “giữ hộ” 42,6 tỉ đồng…
Bị cáo - cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tại tòa. |
Cái cách một số cán bộ thoái hóa, biến chất “giữ hộ” tiền của doanh nghiệp cũng muôn màu muôn vẻ. Năm 2015, Tổng công ty Viễn thông MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỉ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, một số bị can gồm Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà… “chia nhau giữ hộ” tiền của doanh nghiệp. Đương nhiên với chức vụ cao nhất, người có tiếng nói quyết định nhất, ông Son “giữ hộ” Phạm Nhật Vũ số tiền nhiều nhất, 3 triệu USD.
Kỉ lục về số tiền 3 triệu USD mà ông Son “giữ hộ” mãi gần 10 năm sau mới bị phá. Đó là gương mặt hoàn toàn mới - bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bà ta “giữ hộ” Ngân hàng SCB số tiền lên tới 5,2 triệu USD.
Điều dễ nhận thấy là, hiện nay một số cán bộ nhà nước “chơi thân” với doanh nghiệp một cách… bất thường. Thân thiết đến mức coi nhau như “ruột thịt”, tin cậy đến mức dùng vị thế của mình để làm “sân sau” cho doanh nghiệp. Vì thế mà việc “giữ hộ” tài sản, tiền bạc của các ông chủ công ty, tập đoàn cũng là chuyện bình thường.
“Giữ hộ” bản chất là tốt, nhưng khái niệm ấy đang bị một số người, nhất là những người có chức vụ lợi dụng. Nhưng ngẫm kĩ, đúng là họ “giữ hộ”! Bởi khi hành vi bị bại lộ, số tiền mà họ “giữ hộ” đều phải trả cho Nhà nước để khắc phục hậu quả vụ án.
Câu chuyện nói trên mới ở dạng phác thảo, còn sơ sài, chờ thực tiễn bổ sung. Ngõ hầu giúp quý vị “công bộc” nếu có ý định “giữ hộ”, phải nghĩ thật kĩ trước khi hành động!