Người cao tuổi khiếu nại quyết định dừng cưỡng chế của cơ quan thi hành án

Pháp luật - Bạn đọc 26/02/2025 09:07
Ngày 24/2/2025, Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Nhớ (37 tuổi), cùng ngụ tại tỉnh Bình Dương bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tạm giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cơ quan điều tra, từ năm 2021, trong quá trình tu tập, Tuấn và Nhớ thấy nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả, mong muốn thực hiện nhanh việc tu tập để sớm đắc đạo, nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuấn và Nhớ đã yêu cầu những người theo tu đưa tiền để xây dựng nhà thờ tổ và 6 tịnh thất. Họ còn bán các sản phẩm được giới thiệu là giúp việc tu tập nhanh đắc đạo với giá rất cao. Thậm chí, vợ chồng Tuấn còn thuê người chôn giấu các đồ vật vào nhiều vị trí khác nhau tại khu rẫy rồi nói dối với bị hại là do sư phụ dùng phép di chuyển đến và thuê người đóng giả sư mẫu đến giảng Phật pháp.
Do tin tưởng, nhiều bị hại đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua các đồ vật của vợ chồng Tuấn.
![]() |
Những món đồ rẻ mạt nhưng được vợ chồng Tuấn bán tới 5 tỉ đồng. |
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám xét nơi tu tập của vợ chồng Tuấn tại huyện Ea H’leo và cử tổ công tác đến tỉnh Bình Dương để khám xét nơi ở của các đối tượng này.
Tại đây, Công an đã thu giữ 10 Giấy chứng nhận đăng kí quyền sử dụng đất; 3 thẻ tiết kiệm với trị giá gần 12 tỉ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị hàng tỉ đồng. Bước đầu, cơ quan công an xác định, vợ chồng Tuấn đã dùng thủ đoạn lừa tu tập đắc đạo để chiếm đoạt gần 100 tỉ đồng của 3 bị hại.
Dưới góc độ pháp lí, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của vợ chồng Tuấn là gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Quá trình xác minh vụ việc, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có nhiều nạn nhân đã nộp tiền cho vợ chồng Tuấn. Các nạn nhân này nộp tiền do vợ chồng Tuấn đưa ra thông tin gian dối về việc mua vật phẩm của vợ chồng Tuấn có thể tu luyện thành tiên, đắc đạo.
Để phục vụ cho mục đích chiếm đoạt tài sản, Tuấn đã thực hiện các thủ đoạn gian dối, “thần thánh hóa” các vật phẩm vô tri thành những thứ linh thiêng làm cho nạn nhân tin tưởng để chiếm đoạt tài sản.
Đây là phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất tinh vi và lợi dụng sự mê tín, thiếu hiểu biết của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo, làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản và hậu quả đối với các nạn nhân để xem xét xử lí các bị can theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng: Hiện nay, các hoạt động mê tín dị đoan và hành nghề mê tín dị đoan xảy ra khá nhiều trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng. Nếu niềm tin ở mức mê muội, nhiều người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí bán nhà, bán đất để đưa tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Khi đã chiếm được niềm tin của người khác bằng những câu chuyện ma mị, không có thật, các đối tượng rất dễ nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy, từ hoạt động mê tín dị đoan trở thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ trong gang tấc. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác đối với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.