Loại bỏ... lãng phí

Trong mắt người già 27/02/2025 09:11
Có lẽ vì mục tiêu đóng góp an sinh xã hội thông qua bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ nên dù DN “làm ăn thất bát” vẫn được khuyến khích tiếp tục sản xuất kinh doanh để hi vọng một tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, hình như không ít DN, nhất là khối FDI không quan tâm nhiều đến một tương lai kinh doanh “sáng sủa”. Hàng chục nghìn DN FDI lỗ triền miên vẫn “hào hển” kinh doanh, thậm chí càng lỗ càng mở rộng sản xuất.
![]() |
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của doanh nghiệp FDI mới được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho biết, số đơn vị báo lỗ là 16.292 trên tổng 28.918 DN, tăng 21,2%; số DN bị lỗ lũy kế là 18.140 DN, tăng 15%; số DN bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 đơn vị, tăng 15,2%. Tổng cộng riêng năm 2023, số lỗ của khối DN FDI là 217.464 tỉ đồng, tăng 32%; lỗ lũy kế là 908.211 tỉ đồng, tăng 20%; giá trị âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỉ đồng, tăng 29%…
Một doanh nghiệp lỗ lũy kế nhiều năm đồng nghĩa họ phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc thù của DN FDI hầu hết là công ty con, chi nhánh hoặc công ty liên kết có trụ sở ở nước ngoài cho nên có thể hiểu, họ dễ dàng có nguồn vốn rót vào dù kinh doanh thua lỗ. Dẫu vậy, cũng chẳng doanh nghiệp nào mà kinh doanh không nhằm mục tiêu tối thượng là lợi nhuận, họ chỉ chấp nhận thua lỗ ngắn hạn để hướng tới thu lại lợi nhuận về sau.
Nghi vấn chuyển giá, trốn thuế đã được nói đến từ hàng chục năm trước. Các doanh nghiệp thua lỗ triền miên vẫn duy trì kinh doanh và mở rộng kinh doanh luôn trong vòng nghi vấn. Phải chăng cơ quan quản lí của ta vẫn chưa đủ năng lực, giải pháp để hóa giải thực trạng này?
Thực tiễn chứng minh không phải cơ quan quản lí “bó tay” vì đã bắt được những “bài” làm lỗ. Vào giai đoạn 2007 - 2015 qua thanh tra của cơ quan thuế đã xác định được những “chiêu thức lỗ” của một số doanh nghiệp FDI. Với Coca-Cola Việt Nam thanh tra đã chỉ ra “lỗ” của DN này đến từ kê khai chi phí nguyên phụ liệu chủ yếu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao, trung bình chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt có năm lên đến 80 - 85%. Với Keangnam Vina thì chi phí vay được DN này đẩy lên cao, lãi suất của khoản vay 400 triệu USD vay từ Ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cùng nằm trong tập đoàn, được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó. Hay Metro Việt Nam, mặc dù kinh doanh liên tục lỗ nhưng DN tiếp tục mở thêm hàng chục điểm bán lẻ trên toàn quốc. Khi cơ quan thanh tra thuế vào cuộc đã xác định có lãi trong 2 năm liên tiếp với số tiền 234,8 tỉ đồng, bị yêu cầu truy thu thuế hơn 500 tỉ đồng.
Xem ra câu chuyện “DN vui vẻ lỗ” không phải là vấn đề nan giải. Đã đến lúc ngành thuế phải xem lại trách nhiệm quản lí của chính mình.