Tự hào chặng đường hơn 70 năm hình thành và phát triển

Phóng sự 14/05/2025 10:05
Lúc ấy chợ trời rất đúng nghĩa chợ giữa trời! Người bán lẫn người mua đều ở… giữa trời. Không kể hơn 30 hộ có nhà cũng gia nhập. Lúc đầu, chợ trời Ông Ích Khiêm không có căng bạt, trải tấm nilon mà hầu hết người bán đặt hàng trên bàn xếp hoặc ghế đặt dọc vỉa hè. Nắng mưa chi người bán cũng đội cái dù. Ai bán hàng chạy (vì sợ công an bắt do bán hàng cấm) thì chỉ đội cái mũ phớt trên đầu đi tới đi lui rất dễ nhận diện. Ai có nhu cầu bán, mua thì liên hệ. Thời điểm này hầu hết người dân đều rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn. Ai đi làm cho Nhà nước còn có lương thực được cấp. Ai ở ngoài làm ăn tự do thì bươn chải kiếm cơm mà sống. Bí bách phải bán đồ trong nhà mà ăn! Ở xóm tôi, nhiều nhà bán cả hàng rào sắt B.40, bán tôn lợp nhà còn tốt. Mẹ tôi bán miếng gương tủ đứng, bán bàn ủi để có tiền đi chợ. Tôi cũng bán sách dần dần để có tiền mua thuốc lá hút hoặc dẫn bạn gái đi ăn chè Xuân Trang. Sau này có điều kiện lại đi tìm mua sách cũ, gây dựng lại… thế mới… trái ngang!
![]() |
Các cửa hàng bán đồ cũ (đồ bành) trên đường Triệu Nũ Vương…còn sót lại |
Chị Đ (nay 84 tuổi), ở khối phố Tam Giác, vốn là công nhân Nhà máy Dệt Sicovina Hòa Thọ, kể: “Chị và vài người bạn cũng tham gia bán áo quần ở chợ trời Ông Ích Khiêm đó. Đội cái nón sụp sụp, đi đi lại lại, một tay vắt mấy bộ áo quần, một tay cầm cái áo hoặc cái quần huơ huơ mà rao. Cứ vài ngày là lội quanh các xóm dân cư hỏi mua đồ cũ. Áo quần, radio, cát sét, chén dĩa chi cũng gom với giá rẻ rồi mang xuống chợ trời bán. Hồi nớ, li dĩa, bi-đông của Mỹ với áo Phi-la-két (philaket là áo khoác của lính Mỹ) bán có giá lắm đó nghe!”. Sau đó, cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 thì… dấy lên phong trào mua bán thuốc tây, áo quần, hàng hóa từ Mỹ do người Việt vượt biên gửi về. Chợ trời Ông Ích Khiêm đông đúc, nhộn nhịp chưa từng có. Từ đó cũng phức tạp, lộn xộn hơn... Có dạo bị công an rượt, những người bán thuốc tây chạy tán loạn. Sau đó họ đối phó bằng cách chưng mấy vỏ hộp thuốc trên cái ghế nhằm giới thiệu. Ai cần mua có ngay! Đôi khi họ dẫn người mua đáng tin cậy về tận nhà lấy thuốc. Thành phố phải giải tỏa để lập lại trật tự trị an. Chợ trời Ông Ích Khiêm ở đây coi như đã làm tròn sứ mệnh: Giải quyết cho người mua lẫn người bán có cái ăn cái mặc qua cái đận khó khăn!
Bây giờ ai đi ngang qua đây cũng thấy… tàn dư của cái chợ giữa trời ngày ấy sót lại vài điểm bán sách báo cũ, áo quần bảo hộ lao động xen với mấy hiệu bán vàng, nhà hàng…
“Năm 1984, chợ trời trên đường Ông Ích Khiêm dạt về đường Tăng Bạt Hổ, dài 250m và rải rác trên các đường Đoàn Thị Điểm, Mạc Đĩnh Chi, Triệu Nữ Vương. Ai có điều kiện thì chuyển nghề. Ngược lại thì đeo bám cái nghề… giữa trời ấy mà sống. Nhà ở hai bên đường Tăng Bạt Hổ cùng với người từ chợ trời trên đường Ông Ích Khiêm chung tay nhau hình thành chợ trời Tăng Bạt Hổ sôi động và phức tạp…”, ông X. chủ cửa hàng bán đồ điện trên đường Tăng Bạt Hổ kể.
![]() |
Nơi đây thu hút rất đông người thích sưu tầm đồ cũ, người nghèo, thợ tiểu thủ công nghiệp kể cả sinh viên tìm đến mua thứ mình cần. Bởi ở đây các mặt hàng gia dụng lẫn cơ khí từ cái li, cái kiếng, cái kiềm, cây búa đến cái ốc vít, bù loong, phụ tùng xe máy… đều có. Tất nhiên hàng thật, hàng giả, hàng hợp pháp lẫn hàng ăn cắp, hàng cấm khó mà phân biệt, chỉ biết phú cho Trời! Cứ nghe “đồ chợ trời” là liên tưởng ngay đến thứ đồ không sang, kém chất lượng. Cũng như trước kia nghe đến “dân Đường Rầy”, “dân Xóm Chuối” rồi “dân chợ trời” là biết những người thuộc thành phần bị xã hội ám chỉ là… dân bụi đời, dân anh chị…
Lúc đầu đến chợ trời Tăng Bạt Hổ, người ta trải trên vỉa hè tấm nilon, tấm khăn bàn hoặc vài mảnh bìa các-tông rồi bày hàng… thượng vàng hạ cám ra bán. “Có giai đoạn người bán được đăng kí rồi được chia lô, một sạp 3m bề ngang có đóng phí. Chợ ở đây phát triển dần từ Tăng Bạt Hổ chuyển sang Đoàn Thị Điểm, Mạc Đĩnh Chi…”, ông X kể thêm. Trên đường Triệu Nữ Vương, các cửa hàng quần áo cũ (đồ bành) xuất hiện ngày càng dày đặc. “Ăn theo” nó là các điểm nhận cắt sửa áo quần, lên lai quần rin lấy liền, các tủ bán đồng hồ, kiếng đeo mắt… Cùng “ăn theo” chợ trời là những người thu gom, mua bán ve chai, những người chạy xe ôm, xích lô, cả những quán cà phê cóc…
![]() |
Những điểm bán của chợ trời Tăng Bạt Hổ còn sót lại trên đường Đoàn Thị Điểm. |
Chợ trời Tăng Bạt Hổ dần dần biến thành nơi tiêu thụ đồ gian lan ra các sạp hàng trên các đường Đoàn Thị Điểm, Mạc Đĩnh Chi… Nhà ai xui bị mấy anh nghiện “mượn” áo quần, xe đạp thì xuống chợ trời mà tìm! Kể cả xe honda bị “mổ” thì đến đó tìm có khi truy ra được kẻ gian trộm xe. Vỉa hè dần dần bị lấn chiếm, dân quanh khu vực bắt đầu kêu ca. Mới 3 giờ sáng, chợ đã nhộn nhạo, phần vì người bán dọn hàng sớm, phần vì tranh giành mua hàng gian, hàng trộm cắp. Người bị mất trộm đến phát giác, nhận diện đồ của mình gây ra cãi cọ, thậm chí xung đột phải mời đến công an phường. Có giai đoạn, nhà ai mất đồ cứ đến chợ trời Tăng Bạt Hổ… mật phục có khi lại may mắn “Châu về Hợp Phố”! Phường cũng ra quân dọn dẹp nhưng rồi đâu lại vào đó. Thành phố bèn chủ trương dời chợ trời Tăng Bạt Hổ xuống chợ Đống Đa, phường Thuận Phước để lập lại trật tự khu vực phường Hải Châu 2. Có người dọn đi, có người trụ lại, lùi vào trong, trả lại một ít vỉa hè cho người đi bộ…
Kinh tế phát triển dần, người mua đồ cũ ngày càng ít đi. Mạng xã hội, bán hàng online ngày càng nhiều. Hàng ngoại nhập Mỹ, Đức, Hàn, Nhật,…, hàng xách tay gì cũng có, kể cả các mặt hàng đã qua sử dụng người ta rao bán đầy trên mạng.
Theo thời gian, chợ trời Tăng Bạt Hổ nối gót chợ trời Ông Ích Khiêm cũng hết vai trò… cống hiến! Nay chỉ còn rải rác vài điểm bán đồ cũ xen lẫn đồ mới trên đường Đoàn Thị Điểm, Triệu Nữ Vương. Trên đường Tăng Bạt Hổ, nay là các cửa hàng to rộng, chuyên bán hàng vật tư công nhiệp, cơ khí, các phụ kiện, linh kiện thiết bị ngành mộc, nhôm kính, điện… Cảnh nhếch nhác trước đây giảm nhiều.
Tôi từng đi chợ trời ở Đức, Ba Lan. Hàng ở đây là của người bán mua lại từ những người chuyên đi nhặt của những người nhân ái tặng. Quần áo, vải vóc, sách báo, li chén… đặt sẵn trong thùng giấy hoặc thùng nhựa “Ai cần cứ lấy mang đi”. Hàng của nhà không dùng nữa hoặc sắm mới nay mang ra chợ bán hoặc kèm hàng mới. Cứ mỗi sáng Chủ nhật họ cùng gia đình chở hàng trên xe Volkswagen, Mercedes-Benz, Opel… đến chợ rồi bày ra bán. Giá có từ 25 xu, 50 xu (cent) đến 1 đồng (euro) hoặc vài đồng/sản phẩm. Mặt bằng được thuê với giá mềm. Không có chuyện bán hàng ăn cắp là chắc chắn nhưng hàng tân trang có không thì xin thưa, có! Tuy nhiên loại hàng này không lấn át được các mặt hàng cũ nhưng độc, lạ còn dùng tốt. Nếu mua phải đồ tân trang thì lại cho mình có kinh nghiệm trong chọn lựa tỉ mỉ hơn…
Nay ở Đà Nẵng, chợ trời không còn mà thay vào đó là các khu chợ đêm ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà,... Nơi đó có bán thức ăn, nước uống, các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, đông khách du lịch và cách quản lí bài bản hơn nhiều.