Vui vẻ... lỗ?

Trong mắt người già 17/02/2025 10:32
Trước hết nói về phụ huynh, bất kì cha mẹ nào cũng có kì vọng con mình sẽ là một học sinh giỏi hay tối thiểu cũng phải “hơn con người ta” trong một cộng đồng (lớp học, hàng xóm, bạn bè). Khi con cái thua kém, học lực chưa thật tốt thông thường phụ huynh tìm các biện pháp khắc phục, phổ biến nhất là tăng cường độ, thời gian học tập, nhờ tới thầy cô... Có lẽ rất ít phụ huynh tìm hiểu cặn kẽ xem nguyên nhân vì sao con em mình học tập chưa tốt. Mỗi học sinh có tâm thế khác nhau về thể chất và tinh thần nên năng lực tiếp thu cũng khác nhau. Có em luôn chăm chú nghe giảng, song có em lại chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trên lớp học, do đó kiến thức thu nhận sẽ khác nhau dù môi trường như nhau.
Khi con em mình chưa có ý thức tốt trong học tập thì có học thêm bao nhiêu cũng khó mang lại hiệu quả. Như vậy, cái “cầu” học thêm từ phụ huynh là “vấn đề” trước tiên cần xem lại.
Về phía người dạy, bất kì thầy cô nào cũng muốn học sinh của mình có chất lượng học tập tốt. Giáo viên cũng là người dễ nắm bắt nhất nguyên nhân vì sao một học sinh của mình học tốt hoặc chưa tốt. Nếu nguyên nhân từ hành vi (chểnh mảng, không chú ý nghe giảng, kỉ luật không nghiêm) thì thầy cô có thể chấn chỉnh, khắc phục một phần. Song nếu nguyên nhân từ năng lực tự thân của học sinh (nhận thức chậm, chỉ số IQ hạn chế…) thì chắc chắn cần tăng cường phụ đạo hoặc học thêm. Trong mỗi lớp học tất yếu sẽ có một tỉ lệ nhất định học sinh thuộc tốp trung bình và yếu. Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cho số học sinh này không gì tốt hơn chính là thầy cô trực tiếp giảng dạy các em. Khi xã hội bước vào nền kinh tế theo cơ chế thị trường, môi trường giáo dục cũng không thể đứng ngoài cuộc. Việc giáo viên dạy thêm được trả phí cũng là lẽ công bằng. Việc này chỉ bất ổn khi việc dạy thêm, học thêm bị lạm dụng, biến tướng. Khi dạy thêm biến tướng, khả năng cao nó sẽ chi phối tới chất lượng giảng dạy chính khóa.
Phụ huynh muốn cho con em học thêm là thực tế. Giáo viên có khả năng đáp ứng những mong muốn của phụ huynh là “nguồn cung” tiềm tàng. Cung và cầu gặp nhau dẫn tới thực trạng dạy thêm, học thêm hiện nay.
Ngành Giáo dục đã có khẩu hiệu và cũng là mục tiêu chung để học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, mỗi ngôi trường trở thành một ngôi nhà hạnh phúc. Vậy thử hỏi chúng ta đã quan tâm xem ý kiến, nguyện vọng của học sinh - chủ thể chính của mỗi ngôi trường rằng, các em có nhu cầu, có muốn học thêm hay không? Mọi giải pháp hiện nay dường như đang… “bỏ quên” học sinh.