Vui vẻ... lỗ?

Trong mắt người già 05/02/2025 14:38
Tuổi thọ con người ngày càng cao cùng với sự tăng lên của đời sống vật chất, tinh thần. Xưa ông cha ta có câu “49 chưa qua, 53 đã tới” ý nói con người thường khó vượt qua 49, 53 tuổi bởi ở ngưỡng này ốm đau, bệnh tật có thể “hỏi thăm” bất cứ lúc nào. Đó là câu chuyện của hơn 80 năm về trước, khi đa số người dân sống lam lũ dưới thời thực dân, phong kiến. Nay thì tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng đã vượt xa tuổi thọ trung bình ngày xưa.
Theo Niên giám thống kê năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố thì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dao động từ 73,6 - 73,7 tuổi. Vậy có thể coi người sống chưa đạt mức tuổi trung bình này vẫn là… chưa thọ.
![]() |
Người Việt ta có tục lệ khao thọ, mừng thọ cho các vị cao niên mỗi khi Tết đến Xuân về. Tết này quê tôi cũng có đến dăm đám gia đình tổ chức mừng thọ người 95, 90, 85 và có cả vài trường hợp mừng thọ khi vừa tròn 70 tuổi (vừa đủ tuổi mừng thọ theo Luật Người cao tuổi). Các cụ 80 trở lên mừng thọ thì không vấn đề gì nhưng “cụ 70” gia đình mở tiệc mừng khiến đây đó hàng xóm bàn tán, có cả ý chê rằng mừng thọ để… thu hoạch phong bì. Thực tế có “cụ” mừng thọ hôm trước, hôm sau đã vác cày ra đồng chẳng kém gì thanh niên. Tôi từng được dự lễ mừng thọ hơi “nghịch cảnh” khi “cụ 70” ngồi trên “ngai” hướng xuống phía dưới có dăm cụ 80, 90 tuổi là cha chú, khách mời.
Vậy với mức tuổi thọ trung bình hiện nay, các gia đình nên mừng thọ ở tuổi bao nhiêu?
Có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và “con hơn cha là nhà có phúc”. Nếu một người sức khỏe không tốt, sống được đến 70 đã là nỗ lực của cá nhân và sự chăm sóc của gia đình thì cũng là điều đáng mừng. Hoặc trong một gia đình, đời ông, đời cha chưa thọ đến 70 mà người con nay đã 70 vẫn khỏe mạnh, đó cũng là điều mừng. Những trường hợp kể trên nếu có tổ chức mừng thọ cũng là lẽ thuận. Nhưng đó có thể vẫn là cá biệt khi sức khỏe, tuổi thọ của người Việt ta ngày một tốt hơn, tuổi lao động đang hướng tới 62.
Luật không quy định nhưng hiện nay người đạt thượng thọ (80 tuổi trở lên) thường được gọi là cụ. Thông thường đạt tầm tuổi này thì có thể có gia đình 4 thế hệ “tứ đại đồng đường”, có chắt gọi bằng cụ, đây thực sự là cái phúc của một gia đình, là điều đáng mừng.
Nên chăng chỉ khao thọ khi đã lên hàng “các cụ”, khi gia đình có “tứ đại đồng đường”?