Đến khu du lịch hồ đại Lải để mà yêu...
Văn hóa - Thể thao 05/01/2023 14:42
Đến khu Du lịch hồ Đại Lải để mà yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống
Một ngày giữa tháng 12/2022, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc cùng với UBND thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức cho trên 50 nhà báo của tỉnh và một số báo của Trung ương đến thăm khu Du lịch hồ Đại Lải - một địa danh Du lịch mang tầm quốc tế trên địa bàn xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên.
Cảnh quan nơi đây chủ yếu do “nhân tạo” từ năm 1959 và nở rộ vài thập kỉ nay. Xanh trời, xanh cây, xanh nước; vừa hiền hòa, thơ mộng; vừa lung linh, huyền ảo; vừa gần gũi, vừa mênh mang…
Hồ Đại Lải với diện tích mặt nước 525ha, nhìn ngút tầm mắt, nhiều nhà nghỉ, khách sạn bề thế ven hồ lung linh soi bóng nước. Bao du thuyền, ca nô bồng bềnh lướt sóng đưa du khách trải nghiệm sinh thái. Giữa hồ là Đảo Ngọc tròn trịa như mâm xôi khổng lồ với diện tích khoảng 3ha. Bước chân lên Đảo Ngọc là vào chốn thần tiên với bao cảnh sắc mê hồn; được ngắm những hạng mục kiến trúc đa dạng cùng nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn. Vào chùa thắp hương bái Phật - Thần để tâm hồn thư thái, phẳng lặng mà đắm chìm vào không gian mây trời, gió nước, hưởng thụ trọn vẹn sự bình an, thanh tao.
Cảnh đẹp tại sân vào và trên sân thượng tầng 10 một tòa cao ốc của Flamingo Đại Lải Resort. |
Thật tuyệt vời được dạo gót trong khuôn viên rộng lớn khoảng 123ha của Flamingo Đại Lải Resort. Đây là một kì quan “Hội tụ và lan tỏa” mang tầm thế giới về xây dựng, kiến trúc Á - Âu, tạo dáng bài trí, phong cách phục vụ... để du khách trải nghiệm, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, hội nghị, hội thảo, văn nghệ, thể thao, ẩm thực… Trong khuôn viên rộng lớn này có 300 biệt thự cao cấp với nhiều diện tích khác nhau từ 300 đến 2.500m2/căn đều bao bọc bằng cây xanh, êm đềm. Cùng đó là nhiều câu lạc bộ (CLB) nhằm đáp ứng và thỏa mãn mọi nhu cầu thư giãn, giải trí, và thể thao như: Flammingo Club, CLB Golt và Thể thao, CLB Du thuyền, CLB Văn hóa Nghệ thuật, CLB Giải trí, CLB Chăm sóc sức khỏe… Rồi, trong khuôn viên Đại Lải Paradise 40ha, đang tọa lạc 344 căn biệt thự có diện tích từ 175 đến 500m2/căn cũng được bao bọc bằng tầng tầng cây xanh, khí hậu mát lành, thơ mộng.
Sân Golf Đại Lải với diện tích 298ha thật lí tưởng, đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế…
Xã Ngọc Thanh là chiến khu Cách mạng, cửa ngõ Đèo Nhe nối với Thái Nguyên và có Hang Dơi kì bí cùng nhiều địa danh du lịch hấp dẫn khác đang được “bàn tay và khối óc” con người tạo dựng, tu bổ. Chỉ vài ba năm tới sẽ lấp lánh những địa chỉ mới này… Và, cả xã Ngọc Thanh là “Ngọc Du lịch” không chỉ niềm tự hào riêng của TP Phúc Yên mà là của chung toàn tỉnh Vĩnh Phúc, sánh vai cùng Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo mà thị trấn Tam Đảo vừa được tôn vinh “Thị trấn Du lịch hàng đầu thế giới năm 2022” đang tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Nhớ lại năm 1959 - xây dựng hồ Đại Lải, công trình mang tầm thế kỉ
Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quyết định triển khai xây dựng công trình thủy nông hồ Đại Lải, nhằm giải quyết vấn đề chống úng, giữ nước, chống hạn cho 5.059 ha của 2 huyện Kim Anh và Bình Xuyên; chuyển đồng ruộng 1 vụ mùa thành 2 vụ/năm, đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển…
Để triển khai xây dựng công trình, tỉnh Vĩnh Phúc huy động 4 lực lượng lao động, trong đó việc thành lập các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) lao động tập trung và dài hạn được coi là đội quân chủ lực, đội quân xung kích, đội quân kĩ thuật của công trường. Công trình thủy nông hồ Đại Lải được khởi công ngày 26/10/1959 và hoàn thành ngày 25/7/1963. Quá trình thi công đã được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ; Trung ương Đoàn; Học viện Thủy lợi; nhiều trường Đại học; nhiều cố vấn chuyên gia Mông Cổ, Liên Xô, Trung Quốc, Hung-ga-ri… Được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm, chỉ đạo, động viên.
Hồ Đại Lải là công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tầm cỡ ở miền Bắc lúc đó với diện tích ban đầu 540ha, dung tích nước trên 31 triệu mét khối. Từ giá trị kinh tế nông nghiệp, từ đầu thế kỉ XXI, hồ Đại Lại đã và đang bừng sáng giá trị kinh tế to lớn về du lịch sinh thái và là một “kì quan” nổi tiếng do con người tạo ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
“Hiểu du lịch” và “Biết làm du lịch” là nâng tầm Du lịch Vĩnh Phúc
Tiếp chuyện ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các ông bà Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lí Du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; Nguyễn Đình Bảng và Triệu Thị Thanh Bình, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Tiến Thông và Nguyễn Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố và Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Phúc Yên… thấy ai cũng đầy ắp trăn trở với ngành du lịch Vĩnh Phúc.
Biết rằng, sau đại dịch Covid-19, từ giữa năm 2021, ngành du lịch Vĩnh Phúc thực sự “Hội tụ và lan tỏa”, “Đưa Vĩnh Phúc ra với thế giới” và “Thế giới về với Vĩnh Phúc”. Để du lịch Vĩnh Phúc cất cánh, nâng tầm, cùng với đổi mới cách nghĩ, cách chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng; có cơ chế, chính sách ưu đãi; đầu tư thích đáng xây dựng cơ sở vật chất; đa dạng các loại hình du lịch; mở rộng và tăng cường liên kết, quảng bá trong nước và toàn cầu… thì điều cốt lõi là Vĩnh Phúc phải xây dựng “đội ngũ con người vận hành hệ thống du lịch”, nghĩa là phải tạo dựng hệ thống doanh nghiệp, đơn vị, đội ngũ chuyên ngành du lịch cùng đông đảo Nhân dân “hiểu du lịch” và “biết làm du lịch” theo mô hình “người người làm du lịch - nhà nhà làm du lịch”…