Phòng Quản lí Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc): Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Xã hội 28/10/2024 11:14
PV: Đề nghị ông khái quát quyết tâm chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc để ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Ông Đỗ Hoàng Dương: Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, giai đoạn từ năm 2017 đến 2023, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động, Quy hoạch, Kế hoạch, Chế độ chính sách… để phát triển du lịch, tạo động lực để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cất cánh. Hệ thống văn bản được quán triệt, triển khai đồng bộ đến các cấp, các ngành, các địa phương.
Vĩnh Phúc dồn lực đầu tư các công trình, tạo điểm nhấn phát triển du lịch. Ngân sách tỉnh đầu tư vào xây dựng, kiến thiết phục vụ du lịch từ 2017 đến 2023 gần 2.300 tỉ đồng. Lập quy hoạch chi tiết, các khu vực có tiềm năng lợi thế du lịch, chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch. Tăng cường vận động, thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn vào du lịch. Do vậy, giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh đã có 36 dự án DDI đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn cam kết là 20.612 tỉ đồng…
Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lí Du lịch Vĩnh Phúc. |
PV: Kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024 của Phòng Quản lí Du lịch Vĩnh Phúc ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Hoàng Dương: Được sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL, Phòng Quản lí Du lịch đã thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu UBND tỉnh, lãnh đạo Sở các văn bản chỉ đạo công tác quản lí Nhà nước về Du lịch.
Phòng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 1 Quyết định và 3 Kế hoạch với những nội dung thiết thực, cốt lõi, đổi mới để chỉ đạo, như: Nhiệm vụ phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kì 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045…
Tham mưu lãnh đạo Sở ban hành 8 Kế hoạch để triển khai các hoạt động du lịch trên toàn địa bàn tỉnh dịp Ngày hội Du lịch Xuân 2024, Du lịch Chào hè Vĩnh Phúc năm 2024… cũng như chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh vùng Đông Bắc và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025; tuyên truyền quảng bá Du lịch Vĩnh Phúc trên các báo, tạp chí năm 2024…
Phòng Quản lí Du lịch Vĩnh Phúc năng động, đổi mới công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương để cùng chung trách nhiệm, tạo hiệu quả cao cho hoạt động du lịch phát triển. Trong 9 tháng, Phòng tham mưu ban hành 85 văn bản phối hợp đề xuất, góp ý, báo cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực của ngành, cụ thể như phối hợp với Công an tỉnh; chính quyền các huyện, thành phố; BQL các khu, điểm du lịch… triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật, trang thiết bị và nhân lực phục vụ tốt khách du lịch, bảo đảm các điều kiện kinh doanh du lịch theo quy định của Nhà nước.
Công tác quản lí du lịch được Phòng đặc biệt quan tâm bằng nhiều cách làm sát thực như tổ chức nhiều đợt kiểm tra các điểm du lịch để kịp thời phát hiện, đề xuất xử lí sai phạm cùng chấn chỉnh, khắc phục để bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, làm hài lòng du khách. Công việc trọng tâm của Phòng là thường xuyên hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác, quảng bá; thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, miền núi; giới thiệu cho các doanh nghiệp về APP du lịch thông minh và việc áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN…
Do vậy, trong 9 tháng, công tác quản lí nhà nước về hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả mới, đón trên 8,7 triệu lượt khách, tăng 14% so cùng kì và đạt 87% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 3.230 tỉ đồng, tăng 11% so cùng kì và đạt 79% kế hoạch năm; công suất sử dụng phòng bình quân đạt 50 đến 55%.
Tính đến 30/9/2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 569 cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch với 10.438 buồng và 8.600 CBCNV, trong đó có 4 khách sạn (KS) 5 sao, 2 KS 4 sao, 9 KS 3 sao, 44 KS 2 sao, 15 KS 2 sao và 495 cơ sở lưu trú đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7799; có 25 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó 7 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; hiện có 3 huyện (Vĩnh Tường, Sông Lô, Tam Đảo) đăng kí 12 mô hình Homestay, Farmstay, tạo nhiều điểm du lịch cộng đồng các Làng Văn hóa kiểu mẫu, làng nghề, các di tích lịch sử, tâm linh… thêm nhiều địa chỉ hấp dẫn, ấn tượng trên bản đồ du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.
PV: Những tháng cuối năm 2024 và chuẩn bị bước sang năm 2025, Phòng Quản lí Du lịch tập trung triển khai công việc như thế nào, thưa Trưởng phòng?
Ông Đỗ Hoàng Dương: Thấy rõ thuận lợi cùng nhìn thấu những khó khăn cũng như những gì còn hạn chế trong 9 tháng qua, chấp hành sự lãnh đạo của UBND tỉnh, sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở, Phòng Quản lí Du lịch tiếp tục đổi mới, chủ động và năng động hơn để hoàn thành chất lượng các nhiệm vụ được giao, góp phần để Du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu 3 tháng cuối năm đón trên 1,9 triệu lượt khách, trong đó đón khách quốc tế phấn đấu trên 25 nghìn lượt…
Phòng đã kiến tạo hàng loạt biện pháp cụ thể, đó là, tiếp tục phối hợp hiệu quả với các ngành, địa phương; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ khách du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn địa bàn; tổ chức tập huấn kiến thức làm du lịch cộng đồng, kĩ năng giao tiếp, nghiệp vụ quản lí vận hành điểm du lịch sinh thái cộng đồng; tuyên truyền phát triển du lịch tại các Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn toàn tỉnh (đợt 2)…
Để ngành Du lịch Vĩnh Phúc thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đổi mới và vươn mình, năm 2025 và các năm tiếp theo, Phòng Quản lí Du lịch đã có những đề xuất, kiến nghị với tỉnh, với Sở VH,TT&DL: Tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu du lịch; xây dựng cơ chế nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển du lịch; hỗ trợ các huyện xây dựng các mô hình “Du lịch cộng đồng”, “Du lịch nông thôn” tại các làng nghề và khu vực có tiềm năng du lịch; có các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế và hạ tầng cho các doanh nghiệp để họ đồng hành phát triển du lịch bền vững, cùng xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nhằm huy động các nguồn lực xã hội phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…
PV: Cảm ơn ông Đỗ Hoàng Dương!