Xây dựng cơ chế phù hợp, đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kinh tế 05/04/2024 15:08
Ông Đỗ Hoàng Dương: Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng cảnh quan là núi, trung du và đồng bằng. Dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh đối xứng với núi Tản Viên miền Sơn Tây là kì quan danh thắng và tâm linh hùng vĩ, tuyệt mĩ. Dòng Lô giang ôm vòng về phía Tây của tỉnh cùng nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi như đầm Vạc, đầm Dưng, vực Xanh, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải…, rồi Sáng Sơn, Thanh Lanh, Ngọc Bội, núi Thằn Lằn tạo nên cảnh trí non nước hữu tình. Với địa lí - cảnh quan ấy là một hệ giá trị lịch sử - văn hóa - danh thắng lâu đời, tạo riêng cho vùng đất cổ Vĩnh Phúc thế mạnh, tiềm năng du lịch hấp dẫn và độc đáo.
Hệ thống trên 1.300 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu… của Vĩnh Phúc, trong đó có 5 Di tích lịch sử, nghệ thuật, danh thắng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và 65 Di tích cấp Quốc gia; Ca trù và Kéo co của Vĩnh Phúc là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới; thị trấn Tam Đảo 2 lần được vinh danh là khu Du lịch hàng đầu thế giới; hàng trăm làng cổ Vĩnh Phúc vẫn lưu giữ những giá trị trò diễn - lễ hội, hiện vật luôn tạo sự ngạc nhiên, khám phá, hưng phấn cho du khách… Điều rất mới, trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc khởi xướng kiến thiết 30 mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” là đỉnh cao chung tay xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở cả 9/9 huyện, thành phố, tạo “điểm nhấn” du lịch cộng đồng trong bản đồ du lịch Vĩnh Phúc với những mô hình Homestay, Farmstay…
PV: Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hoàng Dương: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 21 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 14 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa với thị trường khách Inbonud từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu. Năm 2023 có 5 đơn vị kinh doanh lữ hành mới, trong đó 1 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 4 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa…
Năm 2023 du lịch Vĩnh Phúc đón gần 9,3 triệu lượt khách (trong đó có trên 81 nghìn lượt khách quốc tế), tăng 13% so với 2022 và tăng 2% so kế hoạch năm. Tổng doanh thu ước đạt trên 3.600 tỉ đồng, tăng 10% so cùng kì 2022. Công suất sử dụng phòng đạt gần 45% (toàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch với 9.937 buồng, trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 2 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 44 khách sạn 2 sao; 16 khách sạn 1 sao và 488 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch)...
PV: Nhiệm vụ trọng tâm của du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024, thưa ông?
Ông Đỗ Hoàng Dương. |
Ông Đỗ Hoàng Dương: Theo kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025 của UBND tỉnh, các nhiệm vụ được đặt ra như: Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đầu tư thu hút phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch hiện có; phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề…Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Kiện toàn bộ máy quản lí Nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả…
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương; đổi mới công tác quản lí nhà nước về du lịch; khuyến khích các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; nâng tầm nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển công nghiệp du lịch; cùng với nhóm dịch vụ vui chơi giải trí ngày, đêm thì sẽ khai thác đúng mức yếu tố văn hóa, nghệ thuật là điểm giữ chân và hướng du khách trở lại Vĩnh Phúc…
Thật vui là những ngày trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, nhất là Lễ hội Tây Thiên dịp Rằm tháng Hai vừa qua, Vĩnh Phúc đã đón hàng vạn du khách thập phương, trong đó rất đông du khách quốc tế về với Phật, với Mẫu, với danh thắng quốc gia đặc biệt Tây Thiên và khu du lịch hàng đầu thế giới thị trấn Tam Đảo.
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đón từ 10 đến 11 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đón khoảng 90 nghìn lượt; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.000 tỉ đồng… Để đạt và vượt mục tiêu này, ngành du lịch Vĩnh Phúc phải trả lời bằng được câu hỏi: “Vì sao du khách trong và ngoài nước phải đến Vĩnh Phúc?”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!