Đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường!
Trong mắt người già 08/11/2023 16:49
Không đau lòng sao được khi tình trạng người thầy ở đâu đó lại có hành vi xử phạt học trò bằng những biện pháp mang tính bạo lực như: Đánh trò đến bầm tím người; bắt trò phải uống nước từ khăn lau bảng; bắt trò trong lớp tát vào mặt bạn đến 50 cái… đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Không đau lòng sao được khi bạn học trong lớp, trong trường với nhau mà đôi khi chỉ vì những xích mích nhỏ của học trò nhưng lại xử nhau theo kiểu “xã hội đen”, chia phe nhóm đánh nhau; bắt bạn yếu thế phải quỳ xin lỗi; đánh hội đồng, lột đồ, quay clip đưa lên mạng nhằm bêu xấu; thậm chí thuê người ngoài vào trường để xử bạn học…
Ảnh minh họa |
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng tiêu cực, bạo lực học đường hiện nay? Các chuyên gia tâm lí giáo dục; nhiều nhà nghiên cứu khoa học cho rằng: Sự quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của chính quyền các cấp chưa thật đầy đủ, thường xuyên; ngành Giáo dục và đào tạo chưa làm tròn trách nhiệm chính trị của mình; học sinh đang bị thả nổi… Rõ ràng xét ở từng góc độ khác nhau, từng ngữ cảnh khác nhau thì những nhận định về nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường như trên đều có lí lẽ của nó. Để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, cần thực hiện tốt biện pháp:
Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội lâu nay vẫn được coi là sợi dây kết nối bền chặt trong quá trình giáo dục, quản lí hiệu quả học sinh. Từ thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp trong cả nước cần phải xem lại “sợi dây” này còn bền chặt không, hay chỉ là hình ảnh? Nên nhớ, đã từng có ý kiến đòi giải thể hội cha mẹ học sinh ở các trường do hoạt động không có hiệu quả thiết thực, cho rằng hội này chủ yếu là vận động phụ huynh đóng góp tiền cho những hoạt động ngoại khóa, mua sắm các trang thiết bị tăng cường phục vụ cho lớp, cho trường… và đây là đầu mối của những vụ việc tiêu cực xảy ra tại các trường do chi tiêu sử dụng không minh bạch, gây tham ô, lãng phí. Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần phải “làm mới” mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội, để “sợi dây” này có tác dụng thực chất và hiệu quả.
Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành và mỗi địa phương, làm sao cho cả hệ thống chính trị phải thật sự vào cuộc, bởi sự nghiệp giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Thiết nghĩ, với trách nhiệm của cả cộng đồng, vấn đề tiêu cực, bạo lực học đường sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi và khôi phục lại môi trường giáo dục đầy tính nhân văn, an toàn, lành mạnh ở các nhà trường trong cả nước. Đó chính là khôi phục lại niềm tin của mọi người đối với nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta phấn đấu thực hiện.