Để giảm thiểu và loại bỏ vấn nạn “bạo lực học đường”
Giáo dục 06/12/2024 10:01
Hay cách đây vài tháng, ngày 21/9/2024, do mâu thuẫn cá nhân, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liên, tỉnh Vĩnh Long) giả vờ ngã, húc vào lưng một bạn cùng lớp. Nghe kể lại sự việc, bà nội nạn nhân đến gặp, phản ánh với gia đình nam sinh. Vì bị bố mẹ mắng, hai ngày sau, em này rủ thêm 7 bạn, kéo đến đánh nạn nhân một lần nữa. Hậu quả nạn nhân bị chấn thương phần mềm, phải nhập viện. Video sau đó lan truyền trên mạng, khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Còn rất nhiều vụ bạo lực học đường từng xảy ra gần đây cũng như trong quá khứ ở nước ta mà trong bài viết này tôi không thể kể hết, nhưng hiện tượng học sinh tại các trường học ở nước ta ẩu đả, đánh nhau xuất phát từ các mâu thuẫn là một tình trạng không còn mới và hết sức lo ngại. Những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của lứa tuổi hiếu động vẫn thường xảy ra trong các thế hệ học sinh. Nhưng hiện tượng các vụ đánh nhau của học sinh gia tăng trong những năm gần đây đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và cực kì nghiêm trọng, khiến không chỉ các bậc phụ huynh lo lắng, mà còn làm cho ngành giáo dục thực sự... “đau đầu”.
Thực ra thì tình huống mâu thuẫn dẫn đến các vụ học sinh đánh nhau thường không lớn, chỉ là chuyện nhỏ nhặt đời thường, cũng không phải là những xích mích lâu ngày có tính hệ thống, mà chỉ bột phát bốc đồng. Và các đối tượng hành hung lẫn nhau ngoài những nam sinh ấu trĩ thiếu khả năng kiềm chế ra thì cũng có không ít các em học sinh nữ đầy “cá tính”, và được bạn bè đặt cho các biệt danh là “đại ca”, hay “nhóm trưởng” trong trường, trong lớp. Tuy nhiên, không ít những cuộc đánh nhau của học sinh có “xuất phát điểm” từ người lớn (phụ huynh hoặc những anh chị hay bạn bè đã nghỉ học). Một số vụ học sinh mâu thuẫn, kéo theo người lớn “giao chiến” là thực trạng buồn, gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực học đường…
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, chúng ta có thể ghi nhận những yếu tố cơ bản đại loại như: đời sống xã hội đang chuyển sang một giai đoạn khá đặc biệt; hệ thống giá trị đang có sự thay đổi; nền nếp cũ thay đổi, nền nếp mới chưa được hình thành; quan niệm về dân chủ, bình đẳng, kỉ cương… chưa có sự thống nhất giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội. Phương tiện thông tin phát triển như vũ bão, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, xã hội công nghiệp thiếu tính nhân văn diễn ra, nhưng chúng ta chưa có điều kiện và kinh nghiệm đầy đủ để quản lí, định hướng và chế tài hiệu quả. Vấn đề game bạo lực là một minh chứng cụ thể cho thực trạng nói trên. Ảnh hưởng của sự thay đổi xã hội nói trên quá lớn và quá nhanh, trong từng gia đình nếu không đủ trình độ nhận thức, không có nền nếp giáo dục giữa các thế hệ một cách nghiêm túc thì rất dễ xảy ra những bất đồng, bức xúc, không thể đè nén được đã làm ảnh hưởng không ít đến thế hệ con em. Bên cạnh đó, tâm sinh lí học sinh ngày nay có những thay đổi rất đặc biệt, các em dễ mặc cảm, tự ti, tự kỉ, nhưng cũng rất dễ bộc phát, nổi loạn, thậm chí còn thích khoe quyền lực theo một hệ thống giá trị mà các em tiếp nhận được từ gia đình hoặc trong xã hội… Nhưng nhà trường chưa đổi mới kịp thời và đủ sức để giải quyết triệt để tình hình tiêu cực diễn ra.
Từ thực tế phân tích trên đây, trong phạm vi nhà trường cần có những giải pháp tích cực và hiệu quả, để không ngừng nâng cao môi trường thân thiện, khắc phục triệt để những hiện tượng thiếu văn hóa, bạo lực học đường: Phát huy những biện pháp tích cực và hiệu quả đã thực hiện, tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng trường học thân thiện. Cung cấp, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kĩ năng cho đội ngũ sư phạm; xây dựng khối đoàn kết thống nhất ý chí, phát huy sức mạnh hệ thống giá trị và làm gương giáo dục học sinh; xây dựng văn hóa học đường, đặc biệt ở lĩnh vực giao tiếp, ứng xử trong giáo viên và học sinh. Nhanh chóng đổi mới thiết chế nhà trường, giảm sĩ số/lớp; tăng thời lượng học tập, hoạt động trong trường cho học sinh; tổ chức lực lượng tư vấn tâm lí trong nhà trường; mở rộng các điều kiện hoạt động, giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ngoài vấn đề giáo dục tại nhà trường, xã hội cũng cần phải có những chủ trương mạnh mẽ để củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có những biện pháp quản lí, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, đồng thời có những chủ trương khuyến khích bảo vệ và phát huy những hoạt động văn hóa, tích cực. Đề nghị nghiêm cấm hoạt động game show bạo lực. Quan tâm nâng cao hoạt động văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Nhà trường- Gia đình - Xã hội!