Những nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường
Nghiên cứu - Trao đổi 05/04/2024 08:43
Vậy nguyên nhân vì sao mà bạo lực học đường lại ngày một gia tăng?
Theo cô Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Tâm lí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, bạo lực học đường là một dạng hành vi lệch chuẩn của học sinh. Có 2 loại: Loại thụ động, là những hành vi của học sinh bị sai lệch do các em nhận thức không đầy đủ hoặc nhận thức sai chuẩn mực, nội quy, quy tắc của trường lớp hay bị bạn bè rủ rê... Ví dụ, trẻ mẫu giáo có thể đánh bạn để dành lại đồ chơi của mình vì em chưa được dạy hoặc được dạy rồi nhưng chưa nhận thức được rằng đánh bạn là xấu. Loại hành vi này không đáng lo ngại vì có thể giáo dục, cung cấp thông tin để học sinh hiểu đúng, từ đó các em sẽ có hành vi đúng đắn.
Đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường! |
Loại chủ động là những hành vi mà cá nhân mặc dù biết rõ những quy tắc chuẩn mực đạo đức của nhà trường, xã hội nhưng vẫn cố ý làm khác. Ví dụ, học sinh biết rằng đánh bạn là xấu, không được phép nhưng vẫn cứ đánh. Đối với loại bạo lực học đường này, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn lại của cha mẹ, thầy cô, nhà trường và xã hội. Thực tế thì bạo lực học đường cũng có thể “khởi nguồn” từ mối quan hệ cha mẹ với con cái, cùng phương cách giáo dục. Như chúng ta biết, gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em. Cô Hồng cho biết, các nghiên cứu trong tâm lí học nhận thấy tồn tại 3 kiểu quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Tin tưởng - bình đẳng, bàng quan - xa cách và nghiêm khắc - cứng nhắc.
Những trẻ vị thành niên bị cha mẹ đối xử bàng quan - xa cách có xu hướng vi phạm nhiều chuẩn mực hành vi hơn những em được cha mẹ đối xử tin tưởng - bình đẳng. Chính mối quan hệ tin tưởng - bình đẳng giữa cha mẹ và con cái đã tạo điều kiện cho trẻ được tâm sự nhiều hơn với cha mẹ, thông qua quá trình đó, cha mẹ kịp thời nắm bắt những nhận thức, hành vi lệch lạc của con cái và có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Nếu cha mẹ đối xử bàng quan - xa cách hoặc nghiêm khắc - cứng nhắc với con cái thì con cái không có cơ hội chia sẻ những tâm tư, tình cảm. Những thiếu hụt trong nhận thức, những lệch lạc trong hành vi không được kịp thời uốn nắn. Không chỉ kiểu quan hệ cha mẹ - con cái dẫn đến hành vi bạo lực của học sinh mà chính cha mẹ trong gia đình cũng góp phần hình thành hành vi bạo lực ở trẻ. Biện pháp giáo dục trong gia đình tốt nhất là nêu gương. Nếu cha mẹ là những người luôn luôn chấp hành tốt các quy định thì đứa trẻ sẽ có xu hướng chấp hành các quy định đó tốt hơn so với các gia đình mà bố mẹ chúng coi thường pháp luật, thường xuyên vi phạm quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội... Trẻ em quan sát và bắt chước những gì người lớn làm, nếu cha mẹ chúng vi phạm quy tắc, chuẩn mực, có các hành vi bạo lực thì các em cũng có thể làm điều tương tự như vậy ở trường học.
Về góc độ tâm lí lứa tuổi, theo cô Hồng, ở giai đoạn 11, 12 tuổi, đặc biệt là 15 - 16 tuổi, sự khao khát khẳng định cái “tôi” của trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trẻ mong muốn được thể hiện những suy nghĩ, quan điểm, niềm tin và hành xử theo cách riêng của mình, không phụ thuộc vào người lớn. Nếu quan hệ cha mẹ và con cái theo kiểu bàng quan - xa cách hoặc nghiêm khắc cứng nhắc sẽ làm cho trẻ không có điều kiện bộc lộ cái “tôi”, trẻ cảm thấy cô độc ngay chính trong ngôi nhà của mình. Ở trường học, vì một vài lí do nào đó, trẻ không đạt được những kết quả tốt trong học tập. Cùng với đó là sự trách mắng của cha mẹ, thầy cô. Như vậy, ở gia đình, nhà trường trẻ không có điều kiện khẳng định mình. Để thỏa mãn nhu cầu này, trẻ sẽ gia nhập vào các nhóm bạn xấu (trong và ngoài nhà trường). Trẻ tiếp thu các chuẩn mực, giá trị của nhóm, thường là đi ngược lại nội quy, quy tắc, chuẩn mực của nhà trường. Giáo dục ở nhà trường không có sức hấp dẫn đối với nhóm, thay vào đó các trò chơi game online, đua xe, nghiện hút, đi bụi, dùng các loại thuốc kích thích... mới là những thứ để khẳng định bản thân mình. Vậy là thay vì khẳng định bản thân mình bằng kết quả học tập, các em lại lấy những “chiến tích”, như bắt nạt bạn cùng trường, trấn lột, đánh bạn... để ra oai với bạn bè cùng trang lứa, được các bạn trong nhóm gọi là “đại ca”...
Ngoài ra, trẻ chơi đồ chơi bạo lực khi lớn lên có xu hướng bạo lực và hành vi gây hấn hơn những trẻ khác. Một bộ phận học sinh đắm mình vào các nhân vật ảo của game trực tuyến đầy tính chất bạo lực, thậm chí nhiều em nghiện game. Các trò chơi này đã ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.
Đứng trước những hành vi bạo lực của trẻ, cha mẹ, thầy cô nên có thái độ bình tĩnh, ân cần chỉ bảo để các em dần dần nhận ra sự không đúng đắn và từ bỏ nó. Sự quát tháo, đánh đập, nhiếc móc hoặc trừng phạt chỉ làm tăng thêm những hành vi đó ở trẻ. Giải pháp tận gốc của vấn đề là trẻ phải tự nhận ra và từ bỏ hành vi đó một cách tự nguyện. Đặc biệt, quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình phải là mối quan hệ tin tưởng - bình đẳng. Cha mẹ phải phấn đấu để trở thành những “người bạn lớn” của con cái, kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức, thái độ và tình cảm của các em.