Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động
Pháp luật - Bạn đọc 13/08/2024 09:57
Bài 3: Cung cấp nguồn lao động “chất lượng” chưa học đến cấp III (!?)
Trên cơ sở phản ánh của người cao tuổi, phóng viên bước đầu đã xác nhận được nhiều “bất cập” trong dịch vụ XKLĐ tại Công ty Cổ phần cung ứng Nhân lực Quốc tế Thành Đô. Trong đó, việc gian dối trong khâu chuẩn bị nguồn lao động và thu phí tuyển chọn đã được ghi nhận đang diễn ra tại Công ty này. Dấu hiệu “phù phép” bằng cấp cho người lao động để đủ điều kiện xét tuyển đơn hàng XKLĐ là điều đáng quan tâm.
Theo tìm hiểu, độ tuổi tham gia XKLĐ giao động là từ đủ 18 tuổi - 35 tuổi, có những ngành nghề có thể lên đến 40 tuổi. Mỗi đơn hàng khác nhau sẽ có yêu cầu về độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, người lao động cần tốt nghiệp trở lên nếu muốn đi XKLĐ ở Nhật Bản. Tùy vào từng đơn hàng mà điều kiện về trình độ học vấn sẽ khác nhau. Phần lớn, các đơn hàng liên quan đến cơ khí, điện tử, ô tô, đơn hàng trong công xưởng,… sẽ yêu cầu tốt nghiệp THPT trở lên. Những đơn hàng yêu cầu độ tuổi trẻ và trình độ học vấn tốt nghiệp THPT trở lên thường sẽ có mức lương cao hơn, đãi ngộ tốt.
Các đơn hàng tuyển dụng thực tập sinh kĩ năng làm việc tại Nhật Bản của Công ty Thành Đô luôn yêu cầu trình độ tốt nghiệp THPT trở lên |
Các đơn hàng XKLĐ thường bao gồm thông tin chung về địa điểm làm việc khi sang Nhật, ngành nghề xin visa, nội dung công việc và những yêu cầu khác nhau giữa các đơn hàng về số lượng tuyển dụng, độ tuổi, trình độ học vấn, thể trạng sức khỏe, tình trạng hôn nhân, thói quen sử dụng chất kích thích… Điều khoản về độ tuổi và trình độ học vấn là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất để được xem xét cho việc tham gia chương trình XKLĐ nói chung và XKLĐ Nhật Bản nói riêng.Trong số những đơn hàng được phía Công ty Thành đô đưa ra, tất cả đều bắt buộc người lao động phải tốt nghiệp THPT trở lên.
Khi đặt ra tình huống với nhân viên tuyển dụng về việc làm thất lạc bằng tốt nghiệp THPT và không thể tìm thấy, phóng viên được nhân viên này yêu cầu “nói nhỏ” khi nhắc đến vấn đề này. Người này cho biết, không có bằng THPT cũng không ảnh hưởng đến việc tham gia đơn hàng, chỉ cần cung cấp tên trường THPT là sẽ có thể tự xác minh và xin giấy chứng nhận.
Một học viên đã thi đỗ đơn hàng tái chế vật liệu xây dựng đang được đào tạo chờ ngày xuất cảnh tại trung tâm của Công ty Thành Đô được làm “dịch vụ” bằng cấp III. |
Để làm rõ thêm về vấn đề trên, trong thời gian thâm nhập tại Trung tâm đào tạo Việt Đức của Công ty Thành Đô, phóng viên đã có những câu chuyện trao đổi với học viên tại đây. Đáng ngạc nhiên, khi được hỏi về vấn đề bằng tốt nghiệp THPT, một số học viên đã thi đỗ đơn hàng và đang được đào tạo để chờ ngày xuất cảnh “thản nhiên” trả lời mới học hết lớp 8, lớp 9, chưa đạt trình độ THPT, nhưng vẫn có bằng THPT để nộp dự tuyển đơn hàng. Trao đổi sâu hơn, những người này cho biết, khi đăng kí tham gia đơn hàng đã được nhân viên môi giới của Công ty Thành Đô tư vấn về việc lo “trọn gói”, kể cả việc người lao động chưa có bằng THPT cũng là “chuyện nhỏ”. Những nhân viên này nhận làm bằng tốt nghiệp THPT cho người lao động với nhiều mức giá khác nhau, mức giá thấp nhất ghi nhận được là 500.000 đồng và mức giá cao nhất là 8 triệu đồng.
Đây có thể coi là một hành động tắc trách trong khâu chuẩn bị nguồn lao động, khi không tuyển chọn được đội ngũ lao động đáp ứng đầy đủ chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Việc làm này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực khi được tuyển chọn sang Nhật Bản làm việc.
Nhằm xác minh cụ thể vấn đề trên, phóng viên đã xin lại thông tin liên lạc của một vài học viên đã trúng tuyển đơn hàng cũng như người lao động mới đăng kí tham gia đơn hàng của Công ty Thành Đô, chưa thi tuyển để trao đổi thông tin và xác nhận tình trạng môi giới làm bằng cấp ở đây.
Hai lao động cùng đăng kí tham gia đơn hàng gia công cơ khí được “báo giá” làm “dịch vụ” bằng THPT |
Theo luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty TNHH Luật Niềm tin Công lí, Đoàn luật sư TP Hà Nội, quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 21, Nghị định số: 04/2021/NĐ-CP, hành vi cung cấp, môi giới bằng giả có thể bị xử phạt hành chính. Mức phạt tiền áp dụng cho tổ chức trong trường hợp này là từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền được áp dụng khác nhau đối với cá nhân và tổ chức. Điều này được quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 3, Nghị định số: 04/2021/NĐ-CP. Cụ thể, đối với cá nhân, mức phạt tiền được thiết lập là một phần hai so với mức phạt tiền đối với tổ chức. Do đó, cá nhân có thể phải đối mặt với mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng cho cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Liên quan đến sự việc, bà Vũ Thị Tươi, Trưởng Phòng Hành chính Công ty Cổ phần cung ứng Nhân lực Quốc tế Thành Đô cho biết: Cán bộ thu tiền cọc của người lao động mà phóng viên nêu đúng là nhân sự của Công ty. Đối với số tiền đặt cọc, chúng tôi khẳng định đây là trường hợp cán bộ và người lao động tự thỏa thuận, Công ty không chỉ đạo. Chúng tôi đã nghiêm khắc kiểm điểm, xử lí đình chỉ công tác đối với cán bộ và yêu cầu trả lại tiền cho người lao động. Qua việc phản ánh của báo chí, Công ty đã nhận thức sâu sắc về vấn đề này và tiếp tục rà soát lại những quy trình, quy định quản lí vận hành doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang rất tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật về XKLĐ đối với cán bộ, nhân viên và người lao động cùng phối hợp thực hiện đúng quy định của Công ty và pháp luật của Nhà nước.
Từ thực tế nêu trên, nên chăng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Quản lí lao động ngoài nước, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét, xử lí, chấn chỉnh, ngăn chặn những sai phạm (nếu có), góp phần bảo vệ tính minh bạch và uy tín của thị trường XKLĐ của Việt Nam.
Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động |
Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động |