Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động
Pháp luật - Bạn đọc 10/08/2024 10:00
Bài 2: “Vô tư” thu tiền “giữ chân” người lao động
Như đã thông tin, trong vai người có nhu cầu đi XKLĐ trực tiếp đến văn phòng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội của Công ty Thành Đô, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đã tìm hiểu được thông tin về khoản tiền cọc “giữ chân” theo phản ánh của người cao tuổi có con, cháu muốn đi XKLĐ.
Người lao động thông qua Website cũng như mạng xã hội Facebook biết đến Công ty Thành Đô là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn du học, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.
Khi đến trực tiếp trụ sở của Công ty tại tầng 9, tòa nhà CIC, phố Nguyễn Thị Duệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, người lao động được nhân viên tuyển dụng tư vấn cụ thể về quy trình xuất khẩu lao động và việc đầu tiên phải làm khi muốn đăng kí tham gia dự tuyển đơn hàng của Công ty đó là phải nộp một khoản tiền cọc là 10 triệu đồng.
Tờ phiếu thu người lao động nhận được từ Công ty Thành Đô với khoản cọc 10 triệu đồng. (Ảnh: Người lao động cung cấp). |
Sau thời gian về trao đổi với gia đình, người lao động quyết định đăng kí tham gia đơn hàng và nộp khoản tiền cọc 10 triệu đồng bằng tiền mặt trực tiếp tại văn phòng Công ty Thành Đô. Tuy nhiên, khoản giao dịch này không được thực hiện trực tiếp giữa người lao động với kế toán của Công ty, mà được chuyển giao trung gian qua nhân viên tuyển dụng phụ trách tư vấn cho người lao động.
Sau khi nhận tiền, nhân viên tuyển dụng yêu cầu người lao động ngồi chờ ở ngoài và tự mình thực hiện giao dịch. Khi quay trở lại, người này mang ra một tờ phiếu thu có đóng dấu “đã thu tiền” và thông báo đã nộp cọc xong.
Đáng chú ý, trên tờ phiếu thu chỉ bao gồm thông tin người nộp với lí do thu là “nộp cọc tham gia đơn hàng” cùng số tiền, không xuất hiện bất cứ thông tin gì về tên Công ty cũng như con dấu của Công ty để chứng minh Công ty Thành Đô là đơn vị đã thu khoản tiền cọc 10 triệu đồng này của người lao động.
Khi bị thắc mắc, thay lí giải vì sao lại có tình trạng thiếu hụt thông tin trên phiếu thu, nhân viên của Công ty liên tục trấn an người lao động hãy yên tâm, hứa hẹn nếu có vấn đề gì sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và tự mình bồi thường. Sau trao đổi, người lao động vẫn cương quyết yêu cầu giấy tờ cần có tên cũng như con dấu của công ty, nhân viên này buộc phải thu lại tờ phiếu ban đầu. Sau khoảng thời gian ngồi chờ, người lao động nhận lại một phiếu thu khác nhưng thông tin chỉ thêm vỏn vẹn một dòng “Đơn vị: Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực Quốc tế Thành Đô” và không có con dấu của Công ty (!?).
Khi phóng viên đến văn phòng tại quận Cầu Giấy của Công ty Thành Đô để được tư vấn, nhân viên tuyển dụng của công ty này cũng yêu cầu một khoản cọc 10 triệu để “chốt đơn” và sau đó làm thủ tục các bước như: Xác minh thông tin tham gia đơn hàng, khám sức khỏe tại Bệnh viện Giao thông vận tải,…
Khi nhập học tại Trung tâm đào tạo Việt Đức của Công ty Thành Đô trên Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, phóng viên đã trao đổi thông tin với những học viên khác về khoản cọc 10 triệu đồng và được biết những ai đăng kí tham gia dự tuyển đơn hàng của Công ty Thành Đô đều phải đóng khoản tiền cọc tương tự như phóng viên đã đóng. Dẫu vậy, chỉ có số ít học viên tại trung tâm nhận được phiếu thu, còn lại đều không nhận được bất cứ chứng từ gì.
Theo luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty TNHH Luật Niềm tin Công lí, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Thu tiền cọc 10 triệu của người lao động khi đăng kí tham gia đơn hàng xuất khẩu lao động có thể coi là hành vi thu tiền tuyển chọn lao động. Mục c, Khoản 2, Điều 26, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2020, quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ: Trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; đồng thời thực hiện đúng các nội dung đăng kí hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận.
Đối với hành vi không xuất hóa đơn, chứng từ khi thu tiền của lao động, căn cứ Khoản 4 và Khoản 5, Điều 24, Nghị định số: 125/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số: 102/2021/NĐ-CP) quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ”. (Còn nữa)
Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động Vừa qua, Tạp chí Người cao tuổi nhận được thông tin của người cao tuổi về việc con, cháu của họ khi đăng kí tham ... |