Dấu hiệu vi phạm trong dịch vụ xuất khẩu lao động
Pháp luật - Bạn đọc 09/08/2024 10:00
Bài 1: Thực hư tình trạng “bao đỗ” trong thi tuyển đơn hàng xuất khẩu lao động
Người lao động khi đăng kí tham gia dự tuyển đi XKLĐ sẽ cần trải qua giai đoạn xét tuyển, việc này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tuyển chọn lao động. Mỗi đơn hàng XKLĐ sẽ có những yêu cầu riêng biệt đối với người tham gia từ phía doanh nghiệp tiếp nhận ở nước ngoài, đây là những căn cứ chính để chọn lọc lao động phù hợp khi xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. Do đó, đơn vị cung ứng buộc phải tuân thủ nhằm chuẩn bị và tuyển chọn được nguồn lao động một cách kĩ lưỡng, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện được đặt ra. Đồng thời, đây cũng là căn cứ giúp người đăng kí tham gia có thể lựa chọn được đơn hàng trong khả năng của mình.
Tòa nhà CIC trên phố Nguyễn Thị Duệ, quận Cầu Giấy, nơi đặt văn phòng của Công ty Thành Đô. |
Trong vai người lao động có mong muốn đi làm việc ở Nhật Bản, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đã trực tiếp đến Văn phòng Công ty Thành Đô tại tầng 9, tòa nhà CIC, phố Nguyễn Thị Duệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội của Công ty Thành Đô để xác nhận những thông tin phản ánh của người dân. Tại đây, phóng viên được một nhân viên tên P.V.H, Trưởng phòng tuyển dụng 1 của Công ty Thành Đô tư vấn về quy trình XKLĐ và việc đầu tiên cần phải làm khi muốn tham gia đơn hàng của Công ty là phải nộp một khoản tiền cọc có giá 10 triệu đồng.
Sau buổi tư vấn trực tiếp, nhân viên này đã có hành động liên tục nhắn tin, gọi điện và đưa ra lời “mời chào” với phóng viên về việc có khả năng “bao đỗ” và có những mối quan hệ quen biết “thân tình” với giám đốc Công ty bên Nhật Bản nhằm lôi kéo, thúc giục đăng kí đơn hàng.
Cụ thể, với đơn hàng làm bánh mì tại tỉnh Tokyo, nhân viên tuyển dụng cho biết có mối quan hệ tốt với giám đốc doanh nghiệp và nếu muốn đăng kí thì phải nhận là người nhà của người này thì mới có thể xin tham gia được. Sau đó, nhân viên này tiếp tục giới thiệu thêm nhiều đơn hàng khác và tư vấn nên tham gia đơn hàng gia công cơ khí tại tỉnh Ishikawa với lời quảng cáo, đây là một đơn hàng có yêu cầu công việc đơn giản, mức lương cao. Đặc biệt, người này khẳng định chỉ cần đồng ý tham gia đơn hàng sẽ được cam kết “bao đỗ” đến 90% và hứa hẹn phần quà trị giá hàng triệu đồng.
Đơn hàng gia công cơ khí tại tỉnh Ishikawa của Công ty Thành Đô thông báo số lượng dự tuyển là 4 người, trong khi phía doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu 6 người. |
Tại Trung tâm đào tạo Việt Đức, phóng viên ghi nhận tình trạng “bao đỗ” diễn ra của Công ty Thành Đô. Đó là tình trạng gian dối trong khâu chuẩn bị nguồn lao động khi làm việc với doanh nghiệp tiếp nhận lao động phía Nhật Bản. Cụ thể, dù chưa chuẩn bị được đủ số lượng nguồn lao động chất lượng cần thiết theo yêu cầu của đơn hàng, nhưng Công ty vẫn tổ chức thi tuyển và sử dụng hình thức “bao đỗ” để che lấp những khiếm khuyết này.
Đơn hàng gia công cơ khí làm việc tại tỉnh Ishikawa được nhân viên P.V.H gửi cho phóng viên, có nêu: Số lượng người tham gia dự tuyển đơn hàng gồm 4 người và phía Công ty Nhật Bản sẽ thông qua buổi thi tuyển dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp để chọn ra 2 người phù hợp xuất cảnh sang Nhật làm việc. Tuy nhiên, khi buổi phỏng vấn với lãnh đạo doanh nghiệp nước sở tại diễn ra, xuất hiện thêm 2 người cũng tham gia thi tuyển cùng với 4 lao động đăng kí đơn hàng từ trước đó, bao gồm cả phóng viên, nâng tổng số người dự tuyển lên thành 6 người.
Khi phóng viên tiếp cận, hai người này cho biết đã thi đỗ đơn hàng khác từ trước và hiện đang theo học tại trung tâm. Theo đó, những học viên này được Công ty “nhờ” tham gia “hỗ trợ” buổi phỏng vấn đơn hàng, do số lượng lao động dự tuyển theo đúng doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu tuyển chọn phải là 6 người, không phải 4 người theo như thông tin trên đơn hàng phía Công ty đưa ra với người lao động.
Những người này theo như thuật ngữ trong ngành được gọi là “quân xanh, quân đỏ”, có nhiệm vụ “hỗ trợ” làm mọi cách để nhà tuyển dụng phía Công ty Nhật Bản đánh trượt, buộc họ phải đưa ra lựa chọn trong số 4 người thật sự tham gia dự tuyển đơn hàng. Việc làm này được gọi là một hình thức “bao đỗ” nhằm tăng tỉ lệ trúng tuyển cho những người tham gia dự tuyển đơn hàng, đồng thời cũng là hành vi gian dối trong khâu chuẩn bị nguồn lao động với nhà tuyển dụng Nhật Bản khi doanh nghiệp dịch vụ chưa chuẩn bị được đầy đủ nguồn lao động theo như yêu cầu, nhưng vẫn tổ chức thi tuyển.
Qua trao đổi với các học viên tại trung tâm, phóng viên ghi nhận thêm dấu hiệu “bao đỗ” đến 100%. Cụ thể, có những trường hợp người lao động khi tham gia thi tuyển đơn hàng, trong buổi phỏng vấn với doanh nghiệp Nhật Bản dù không đáp ứng được bất cứ yêu cầu bắt buộc khi dự tuyển nào, như: Bài giới thiệu bản thân bằng tiếng Nhật (Jikoshoukai), tác phong thi tuyển, phần trả lời câu hỏi… nhưng vẫn được doanh nghiệp dịch vụ gài gắm, tác động để có thể đỗ đơn hàng.
Việc này có thể dẫn đến tình trạng đánh giá sai năng lực, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động khi xuất cảnh sang Nhật làm việc, làm giảm uy tín của Việt Nam trong mắt doanh nghiệp nước bạn.