Bức xúc tình trạng phá hoại cây trồng, vật nuôi

Pháp luật - Bạn đọc 09/02/2018 17:30
Kỳ 1: Rắc rối bắt đầu phát sinh từ công văn kỳ lạ
Ngày 6/9/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký văn bản “thỏa thuận địa điểm” để Công ty cổ phần MT Gas nay là Công ty IMG Phước Đông làm chủ đầu tư thực hiện dự án hạ tầng Khu công nghiệp - Cầu cảng Phước Đông (KCN Phước Đông) tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, với diện tích 1.433.712m2. Ngày 15/10/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Long An có Quyết định số 2609/QĐ-UBND, thu hồi 1.433.712m2 đất tại xã Phước Đông để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phước Đông.
Ngày 19/10/2007, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước ký quyết định phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án KCN Phước Đông với tổng kinh phí hơn 118 tỷ đồng, nguồn tiền do chủ đầu tư chi trả. Trong tháng 11/2007, IMG Phước Đông đã chuyển 100% tiền đền bù hỗ trợ cho các các trường hợp bị giải tỏa. Đã có khoảng 96% diện tích đất dự án được giải phóng mặt bằng, còn lại 4% không đồng ý trong đó có Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng - Thương mại Thăng Long (DNTN Thăng Long) với 5.471,6m2.
Hoàn thành các thủ tục, IMG Phước Đông được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 15/7/2011. Theo đó, IMG Phước Đông được thực hiện dự án KCN Phước Đông với quy mô 1.289.700m2. Trong đó, đất xây dựng nhà máy kho tàng 830.350m2; đất làm trung tâm điều hành và dịch vụ là 31.700m2; đất xây công trình kỹ thuật đầu mối 11.100m2; đất giao thông 20.976m2; đất cây xanh 20.678m2. Tổng số vốn đầu tư của dự án 500 tỷ đồng, vốn góp là 300 tỷ. Ngày 11/8/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh ký Quyết định số 2498/QĐ-UBND thành lập KCN Phước Đông với 1.289.700m2, do IMG Phước Đông làm chủ đầu tư, thời gian hoạt động 50 năm.
Như vậy, xuyên suốt từ năm 2006 đến nay, các văn bản, quyết định của UBND tỉnh Long An, Thủ tướng Chính phủ đều thống nhất sự ra đời, tồn tại và phát triển của KCN Phước Đông. Tổng Giám đốc IMG Phước Đông Chu Đình Khiêm cho biết, với tư cách là chủ đầu tư, IMG Phước Đông đã đổ hết công sức tiền của vào dự án. Ngoài số tiền đền bù hỗ trợ hơn 118 tỷ đồng, IMG Phước Đông đã tiến hành san lấp khoảng 40% diện tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng văn phòng KCN…với chi phí hơn 80 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay dự án bị đã khựng lại đẩy doanh nghiệp vào chỗ phá sản, chỉ vì Công văn số 6464/UBND-KT ngày 14/12/2007, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hoàng Việt (hiện là Bí thư Thành ủy Tân An) chấp nhận cho phép Thăng Long được hoạt động tại vị trí cũ (khu đất 5.471,6m2 nói trên). Mọi việc rắc rối bắt đầu phát sinh từ công văn kỳ lạ này.
Không thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ
Công ty CP IMG Phước Đông là chủ đầu tư Khu công nghiệp – cầu cảng Phước Đông tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An theo Quyết định số 2609/QĐ-UBND ngày 15/10/2007, Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh Long An và Văn bản số 1016/TTg-KTN ngày 24/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ khi bắt đầu triển khai Khu công nghiệp từ năm 2007, Công ty IMG Phước Đông đã gặp phải sự cản trở từ DNTN XD TM Thăng Long (DNTN Thăng Long) - là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cát, đá trên một bãi tập kết có diện tích 5.471,6 m2 và bãi này cắt KCN Phước Đông thành hai mảnh tách rời nhau, khiến cho Công ty IMG Phước Đông không thể xây dựng và đấu nối cơ sở hạ tầng KCN trong suốt 10 năm qua.
Sự việc này đã được Công ty CP IMG Phước Đông gửi văn bản báo cáo và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/01/2014 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo tại văn bản số 498/VPCP-V.I và ngày 9/9/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo tại văn bản số 287/TB-VPCP, cả hai lần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đều kết luận “Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo việc thu hồi đất của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng thương mại Thăng Long” để giao cho Công ty IMG Phước Đông triển khai dự án Khu công nghiệp – cầu cảng Phước Đông.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An đã không những không tuân theo những chỉ đạo này mà còn cố tình lái sự việc và ép Công ty IMG Phước Đông đi theo một hướng khác để bảo vệ cho sự tồn tại bất hợp pháp của khu đất của DN Thăng Long trong Khu công nghiệp Phước Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng không những cho Công ty IMG Phước Đông mà còn gây mất niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư của Chính phủ và của tỉnh Long An. Liên quan đến vướng mắc này, đã có đến khoảng 105 cuộc họp, trong đó có cuộc họp có biên bản, có cuộc họp không có biên bản (6 cuộc họp của Thanh tra Chính phủ và liên ngành, 34 cuộc họp do tỉnh tổ chức, 30 cuộc họp do các Sở ban ngành tỉnh Long An tổ chức, 35 cuộc họp do huyện Cần Đước và các cơ quan chức năng khác tổ chức), 2 lần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, 11 lần ban hành Quyết định của UBND tỉnh Long An, 59 văn bản của Công ty IMG Phước Đông gửi đi và 48 công văn đến nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, đối với chỉ đạo lần một của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản số 498/VPCP-V.I ngày 22/01/2014, khi triển khai ông Đỗ Hữu Lâm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã trực tiếp gặp lãnh đạo Công ty IMG Phước Đông và đề nghị hỗ trợ tỉnh bằng cách hoán đổi đất cho DNTN Thăng Long và UBND tỉnh sẽ tập trung hoàn thành việc hoán đổi này trước ngày 26/6/2015. Trong tình thế không có sự lựa chọn và để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tại tỉnh Long An, Công ty IMG Phước Đông buộc phải đồng ý dù nhận thấy cách xử lý này của UBND tỉnh là không đúng và không được phép. Ngày 22/12/2014, ông Đỗ Hữu Lâm ban hành văn bản số 4501/UBND-TCD chỉ đạo hoàn thành việc hoán đổi đất và cơ sở hạ tầng trước 26/6/2015.
Ngày 8/1/2015, Công ty IMG Phước Đông có Văn bản số 01/2015/CV-IPD đồng ý việc hoán đổi với điều kiện: UBND tỉnh chủ động thực hiện việc hoán đổi và thời gian hoán đổi trước ngày 26/6/2015. Sau thời gian này, Công ty IMG Phước Đông không đồng ý việc hoán đổi và đề nghị UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là thu hồi Khu đất của DNTN Thăng Long.
Trên thực tế, UBND tỉnh Long An và DNTN Thăng Long đã không hoàn thành việc hoán đổi với mốc thời gian nêu trên và vướng mắc tiếp tục kéo dài vì trong quá trình thực hiện DNTN Thăng Long hoặc phần lớn không tham gia các cuộc họp hoặc tham gia và đưa ra những yêu sách vô lý như: phải cho DNTN Thăng Long một diện tích gần gấp đôi với cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn tương đương một cảng cấp quốc gia: đảm bảo xà lan tương đương 1000 tấn neo đậu, cẩu 60 tấn, đường dẫn tải trọng 20 tấn … trong khi đó khu đất của DNTN Thăng Long chỉ là bãi tập kết cát, sạn thô sơ. Ngoài ra, khi các đoàn công tác của tỉnh và Công ty IMG Phước Đông đến kê biên, đo đạc, cắm mốc, khảo sát địa chất… thì DNTN Thăng Long không hợp tác. Việc hoán đổi không thực hiện được, Công ty IMG Phước Đông liên tục gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh Long An đề nghị thu hồi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng UBND tỉnh Long An đã không kiên quyết xử lý việc này, mà hết lần này đến lần khác tiếp tục dàn xếp để hai đơn vị tự thỏa thuận với nhau dù biết rằng việc này là bất khả thi và không có kết quả.
Ngày 19/6/2016, Công ty IMG Phước Đông gửi văn bản số 36/2016/CV-IPĐ đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình kiến nghị về việc UBND tỉnh Long An không thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 498/VPVP-V.I.
Ngày 9/9/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo lần 2 về việc yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo việc thu hồi đất của DNTN Thăng Long. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành của tỉnh, Công ty IMG Phước Đông và DNTN Thăng Long nhưng nội dung các lần họp đều không nhất quán và không đi đến kết quả cuối cùng do tiếp tục đưa ra những yêu sách vô lý của DNTN Thăng Long.
(Còn nữa)
Mai Thân
![]() |
Công văn số 6464/UBND-KT ngày 14/12/2007, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hoàng Việt (hiện là Bí thư Thành ủy Tân An) kí. |