Rào cản trong tiến hành các cuộc cách mạng

Nghiên cứu - Trao đổi 01/09/2021 13:44
Chia sẻ với phóng viên, ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho biết, việc chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hầu hết các lĩnh vực của một doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
![]() |
ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI). |
Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Trong đó, ngoài vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học... ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho biết thêm.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn, Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn được tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sau đó là Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thế nhưng, hiện Việt Nam có tên trên bản đồ chuyển đổi số của khu vực và thế giới vẫn còn ở mức trung bình thấp. Mặc khác, Việt Nam được phân loại thuộc nhóm nước ở trong giai đoạn quá độ của quá trình chuyển đổi số nhưng có vị trí khá tích cực trong tương quan với các nước có cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, trên tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi số đóng góp vào tới tăng trưởng kinh tế qua 5 kênh chính.
Cụ thể, gồm 5 bước trong việc chuyển đổi số như: Thứ nhất, chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu lực quản lý doanh nghiệp, giúp giảm giá thành, mở rộng thị trường và tăng chất lượng phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số còn tạo sự gắn kết, hợp tác phát triển hệ sinh thái số, dịch vụ thương mại trực tuyến, mạng xã hội, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng khác. Thứ hai, chuyển đổi số làm tăng mạnh mẽ khối lượng và chất lượng thông tin, khả năng giao tiếp, liên lạc, giúp làm minh bạch thông tin và giao dịch trên mọi lĩnh vực từ chất lượng môi trường đến cảm nhận của khách hàng, người dân. Nhờ vậy, mọi hoạt động được giám sát và xử lý kịp thời. Trên cơ sở đó, lòng tin của xã hội sẽ được tăng cường và tăng trưởng kinh tế trở nên bền vững hơn. Thứ ba, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp và mọi người dân tăng khả năng tiếp cận với tri thức toàn cầu và chia sẻ ý tưởng nhanh chóng, kịp thời. Tiến bộ này thúc đẩy học hỏi và sáng tạo, động lực chủ đạo của tăng tưởng. Thứ tư, chuyển đổi số giúp tạo ra nền kinh tế chia sẻ và cộng đồng, thu hút mọi nguồn lực của xã hội. Cả cung và cầu của nền kinh tế đều tăng mạnh về lượng và phong phú về chất do hiệu quả từ tác động cộng hưởng. Thứ năm, chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng quy trình ra quyết định, đặc biệt trong phân bố nguồn lực. Như vậy, tăng trưởng được tạo ra từ tăng hiệu quả đầu tư, phát triển.
Cùng với đó, vấn đề về tài chính cũng là một trong những nhân tố quan trọng để chuyển đổi số thành công. "Tuy vậy, đây cũng không phải là nhân tố quan trọng nhất. Điển hình, các doanh nghiệp phải có mô hình chuyển đổi số phù hợp. Trong khi đó, lý do mà chuyển đổi số trong khu vực tư nhân cũng như khối doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra còn chậm là do chưa có mô hình chuyển đổi số phù hợp, Viện trưởng Viện ISAI thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Phát triển kinh tế số cần hạ tầng số hiện đại: Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Quốc gia nào muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng thì phải tận dụng cơ hội này. Nhưng phải đi trước người khác, đi trước quốc gia khác. Phát triển kinh tế số và xã hội số cần một hạ tầng số hiện đại. Hạ tầng vật chất cần nhiều chục năm, cần rất nhiều tiền. Nhưng hạ tầng số có thể nhanh hơn nhiều, có thể chỉ một vài năm và chi phí cũng nhỏ hơn hàng chục lần. Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu hạ tầng số của Việt Nam sẽ vào top 30 thế giới trước năm 2025. Chiến lược phát triển hạ tầng số Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong năm 2021 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là hạ tầng số phải đi trước, phải lọt vào top đầu, để tạo nền tảng cho phát triển nhanh kinh tế số và xã hội số. |
Viện trưởng Viện chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) khẳng định, việc chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo…Vì lẽ đó, với hệ thống pháp luật hiện hành nước ta vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng công cuộc chuyển đổi số, nên cần hoàn thiện tập trung nhiều vào lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến các thiết chế nhà nước, xã hội; bảo đảm công bằng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quản trị môi trường ảo, tội phạm công nghệ cao, đại diện hoặc các vấn đề về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, sở hữu trí tuệ, quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử, tài sản số…
ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI), nhấn mạnh: “Chính phủ đã và đang đẩy mạnh nỗ lực tinh giản các thủ tục và cung cấp dịch vụ công thông qua các phương tiện số. Từ đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công. Song song đó, có lĩnh vực hải quan nhằm xây dựng và phát triển dịch vụ số để tái cấu trúc quy trình, cải cách các thủ tục hành chính.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động hành chính công lên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để từ đó, công tác chuyển đổi số sẽ giúp công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian, chi phí, phòng chống tham nhũng…
ThS. Hồ Minh Sơn nhận định: Trong giai đoạn 2021-2025 được đánh giá là thời điểm để tăng tốc chuyển đổi số, để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Do đó, để đạt được những mục tiêu nêu trên, đòi hỏi Việt Nam phải làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”. Tương tự, Chính phủ cần có sáng kiến thu hút nhân tài trên toàn thế giới, đào tạo nhân lực số, sử dụng rộng rãi và hiệu quả các công nghệ số, cũng như phải tăng cường cơ sở pháp lý, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Tin rằng, chuyển đổi số hiện đang ngày càng có sự thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.