Chồng không được đơn phương li hôn khi vợ đang mang thai
Pháp luật - Bạn đọc 20/06/2024 09:36
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mới đây ban hành Nghị quyết số: 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình, có hiệu lực từ 1/7/2024. Một trong những nội dung tại Nghị quyết nhận được nhiều quan tâm, đó là hướng dẫn về việc: “Chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết li hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con, chồng không có quyền yêu cầu li hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai”.
Dưới góc độ khoa học pháp lí, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hạn chế quyền được đơn phương li hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác là thể hiện tính nhân đạo, bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
Tuy nhiên, quy định này có thể mâu thuẫn với quy định quyền được đơn phương li hôn khi vợ ngoại tình và dễ phát sinh xung đột trong thời gian người chồng chờ đủ điều kiện gửi đơn li hôn.
Ảnh minh họa |
Do đó, khi áp dụng quy định này, cần phải mềm dẻo, linh hoạt, tùy từng trường hợp mà hạn chế quyền đơn phương li hôn của người chồng. Khi tiếp nhận đơn đề nghị li hôn, Tòa án có thể động viên vợ chồng thuận tình li hôn nếu như hôn nhân đã lâm vào tình trạng trầm trọng, kéo dài có thể dẫn đến bạo lực gia đình, không bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định kết hôn và li hôn là các sự kiện pháp lí quan trọng, được thực hiện trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên. Theo đó, kết hôn là nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật. Li hôn là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định điều kiện cụ thể khi nam nữ kết hôn và các điều kiện cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, bảo đảm tính nhân đạo, nhân văn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ vợ chồng.
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lí do chính đáng khác.
Khi vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ vợ chồng theo quy định của pháp luật, không yêu thương, không chung thủy, không tôn trọng, quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, đó là một trong những căn cứ để bên còn lại có quyền đề nghị tòa án cho li hôn đơn phương.
Nếu một bên ngoại tình đã được bạn bè, gia đình, chính chuyển quyền địa phương hoặc cơ quan đoàn thể hòa giải nhiều lần nhưng vẫn ngoại tình, đó là tình trạng hôn nhân trầm trọng, là căn cứ cho người còn lại được quyền đề nghị đơn phương li hôn.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Việc người vợ ngoại tình nhiều lần dẫn đến mang thai với người khác mà người chồng không được đơn phương li hôn, có vẻ như không bình đẳng với người chồng và có thể cuộc sống hôn nhân sẽ ngày càng trầm trọng, bất hòa kéo dài, bạo lực gia đình có thể xảy ra. Do đó, tùy từng trường hợp người vợ mang thai với người khác mà nên có những quy định khác nhau về quyền được lựa chọn li hôn của người chồng”.
Nếu người vợ mang thai là do bị cưỡng dâm, hiếp dâm, hoặc do nguyên nhân khách quan khác mà không có lỗi của người vợ, có thể hạn chế quyền được đơn phương li hôn của người chồng trong thời hạn vợ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nếu người vợ vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, không chung thủy dẫn đến mang thai mà Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao lại quy định hạn chế quyền được li hôn của người chồng, trong trường hợp này chưa bảo đảm sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng.
Trong khi đó, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ hạn chế quyền được đơn phương li hôn của người chồng (Đơn phương li hôn, li hôn theo yêu cầu của một bên) khi người vợ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu người vợ cũng đồng ý li hôn, hai bên thuận tình li hôn, Tòa án vẫn thụ lí giải quyết theo quy định của pháp luật về thuận tình li hôn.
Bởi vậy, trong những tình huống này rất cần có sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình, của cơ quan, chính quyền địa phương. Khi người chồng đệ đơn li hôn đơn phương, Tòa án cần hướng dẫn và tạo điều kiện.
Nếu quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được mà “vướng” quy định của Nghị quyết không cho chồng được đơn phương li hôn, Tòa án có thể động viên hai vợ chồng thuận tình li hôn để giải quyết theo quy định của pháp luật.