Cha mẹ li hôn, con trẻ “gánh” nhiều hệ lụy buồn
Đời sống 07/08/2024 09:07
Những đổ vỡ của cha mẹ khi con cái đang ở tuổi dậy thì có thể tạo nên những nét cấu tạo tâm lí mới trong nhân cách trẻ theo hai hướng chủ yếu sau: Thứ nhất, khi đối diện với sự tan vỡ tổ ấm, một số trẻ trở nên cứng cỏi, độc lập hơn trong suy nghĩ, hành động, biết tự lo cho bản thân, có trách nhiệm hơn với nửa mái ấm còn lại. Trẻ dành nhiều tình cảm tốt đẹp hơn cho cha hoặc mẹ, cho anh chị em.
Hoặc có một số trẻ ban đầu bị chấn động tâm lí do thiếu hụt hình ảnh thân thương, sự chăm sóc của cả cha và mẹ dưới một mái nhà. Chính vì vậy, phụ huynh phải quan tâm chu đáo, giáo dục hợp lí cùng cách giải thích cặn kẽ để giúp trẻ vượt qua cú sốc, trở lại trạng thái tâm lí bình thường.
Ảnh minh hoạ |
Cùng với đó, có nhiều trẻ rơi vào hướng thứ hai - với biểu hiện “khủng hoảng đôi”. Nếu cha mẹ không tinh tế trong quá trình trước và sau li hôn có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lí dẫn đến những biểu hiện như: Sa sút việc học, thay đổi những nét tính cách tích cực sang những nét tính cách tiêu cực: Lầm lì, hay cáu gắt, suy nghĩ lệch lạc về tình cảm gia đình (oán trách, hận thù, căm ghét...), và sa ngã vào tệ nạn xã hội.
Cũng phải nói thêm, khi trẻ khủng hoảng tâm lí mà không có sự nâng đỡ thì trẻ càng dễ bị cám dỗ bởi những thói hư tật xấu - những thứ vốn đã có nhiều áp lực với trẻ khi trẻ đang ở độ tuổi thiếu niên. Có nghĩa là trẻ sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chiến li dị của cha mẹ với danh nghĩa “trọng tài”: Cha sai hay mẹ sai.
Các bậc phụ huynh cũng không nên phơi bày tất cả tình tiết, sự thật về nguyên nhân li hôn để trẻ không bị sụp đổ hình ảnh cha mẹ. Tuy vậy, cũng không nên lừa dối trẻ bằng cách sống giả, vì trẻ có sự nhạy cảm riêng nên dễ dàng phát hiện chân tướng sự việc.
Khi li hôn, đừng cho rằng bất kì đứa trẻ nào cũng là... con nít. Đặc biệt, trẻ đang ở tuổi teen rất nhạy cảm, nhiều cảm xúc nên khi không hiểu ngọn nguồn sự việc, trẻ sẽ có những suy diễn sai lệch. Hãy giải thích, chia sẻ, tâm sự với trẻ để trẻ hiểu vì sao cha mẹ không chung sống nữa, từ đó trẻ sẽ dần dần thông cảm, thích ứng với sự thay đổi. Tuyệt đối không nên nói xấu người bạn đời của mình, để trẻ có cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống về sau. Sau li hôn, nhiều phụ huynh quá bận rộn tìm cuộc sống mới, nên quên mất đứa con đang “chơi vơi”.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những “rạn vỡ” về nhân cách của trẻ. Vì vậy, không chỉ thời gian đầu mà suốt về sau, cha mẹ hãy dành cho trẻ nhiều sự quan tâm, yêu thương để trẻ làm quen và vượt qua thử thách “mái ấm một nửa”, thực hiện đầy đủ trách nhiệm để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi, thiệt thòi. Hãy dành cho người vợ, người chồng cũ sự tôn trọng để trẻ cảm nhận được tình yêu thương thật sự dù hai người không còn chung sống.