Chế tài đối với chủ đầu tư phạm tội “Lừa dối khách hàng”
Đời sống 04/05/2023 09:20
Theo quy định pháp luật, khi dự án mở bán các căn hộ phải bảo đảm các điều kiện pháp lí nhất định về đất đai, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, khách hàng không hoặc khó có thể biết được tình trạng pháp lí nếu phía chủ đầu tư không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thiếu thông tin, cung cấp thông tin về dự án không đúng sự thật.
Trường hợp việc mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư và người mua có sự lừa dối thì đây là một căn cứ quan trọng để tuyên bố hợp đồng mua bán giữa 2 bên là vô hiệu, việc xử lí hậu quả của hợp đồng vô hiệu đó là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Như vậy, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 nêu thì được xem là giao dịch dân sự vô hiệu.
Trong khi giao dịch dân sự có sự lừa dối được xem là giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Xử lí hậu quả do giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Vì vậy, trong trường hợp này, hợp đồng có sự lừa dối dẫn đến mục đích hợp đồng không đạt được, vi phạm nghiêm trọng các quy định đã giao kết, vi phạm các quy định pháp luật, thì khách hàng có thể yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Trường hợp này, khách hàng mua căn hộ nhưng không được cấp sổ đỏ vi phạm quy định về xây dựng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo hướng tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lí hậu quả pháp lí buộc phía chủ đầu tư trả lại tiền đã nhận, do hợp đồng có sự lừa dối, ngoài ra bên có lỗi phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người mua nhà.
“Tôi cho rằng đối với tội “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì chế tài xử lí còn quá thấp, chưa tương xứng, chưa phù hợp với hậu quả xảy ra trong thực tiễn. Điều này thể hiện qua khung hình phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Còn hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên”, luật sư Khuyên nêu quan điểm.