Chất vấn ở Quốc hội là tiếng nói của dân
Nghiên cứu - Trao đổi 26/11/2020 11:00
Theo dõi phiên chất vấn tại kì họp thứ 10 khóa XIV mấy ngày qua, nhiều NCT rất vui vì đã có những đại biểu mạnh dạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ về việc nâng lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, vì lương hưu của họ rất thấp, có nhiều người chỉ khoảng 1 đến 3 triệu đồng 1 tháng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã biết và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu, đề xuất. Dù chưa rõ từ chất vấn chuyển biến thành chính sách thành hiện thực lúc nào, nhưng qua đó cho thấy nguyện vọng chính đáng của người dân đã được ĐBQH chuyển đến bàn nghị sự. Đó chỉ là một trong rất nhiều nội dung quan trọng mà các ĐBQH chất vấn, các vị thành viên Chính phủ đã nghe, ghi nhận và phải rà soát, tích cực triển khai phục vụ Nhân dân. Nhân đây xin nhìn lại quá trình đổi mới, phát triển của công tác tổ chức chất vấn tại Quốc hội mấy chục năm qua.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. |
Vào thời kì bắt đầu đổi mới hoạt động của Quốc hội, phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã dần được quan tâm, tăng thời lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là những hạn chế về cách thức tổ chức phiên chất vấn, hạn chế về nội dung, cách nêu câu hỏi và cũng có cả hạn chế từ phía người trả lời như là nặng về thanh minh, né trách nhiệm và không rõ giải pháp. Sau kì họp cũng có đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động chất vấn nhằm giảm những hạn chế, nâng dần chất lượng, nhưng chuyển biến thường không nhiều.
Từ nhiệm kì Quốc hội khóa IX, vấn đề truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại kì họp Quốc hội đã được đặt ra, nhưng ban đầu chưa được đồng thuận cao, còn những ý kiến e ngại. Trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ của đất nước, được sự ủng hộ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với sự quyết liệt trong công việc, đồng chí Vũ Mão khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã bàn bạc nhiều lần với Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, quyết tâm tổ chức truyền hình trực tiếp phiên chất vấn tại Quốc hội. Việc rất mới nên cũng có những khó khăn, bỡ ngỡ, thậm chí hiệu quả chưa cao, có ý kiến trái chiều. Có thể thấy rõ nhất là nhiều ĐBQH chưa tự tin, ngại đứng lên chất vấn Bộ trưởng, Trưởng ngành. Không ít đại biểu địa phương có tâm lí rụt rè vì chưa bao giờ gặp hay nhìn thấy Bộ trưởng, Trưởng ngành, coi họ là cán bộ cấp cao uy quyền, không dám hỏi thẳng ở tư thế người đại diện cho dân,… và nhất là lần đầu thấy ống kính chĩa thẳng vào mình, run lắm chứ. Trong Quốc hội thời kì đó cũng đã có những vị nắm chắc vấn đề, bản lĩnh, biết cách hỏi như các đại biểu Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng,… đã tiên phong, dần dần các đại biểu khác mạnh dạn hơn. Thời kì đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bố trí mỗi buổi khoảng 2 hay 3 vị trả lời, có báo trước để chuẩn bị thời gian đến hội trường. Đầu khóa X, có 2 hay 3 kì họp, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cho chủ trương mở đường dây nóng trong những ngày tổ chức chất vấn, trực tiếp ý kiến của dân, tập hợp báo cáo UBTVQH 90 phút 1 lần để kết hợp với câu hỏi chất vấn trực tiếp, yêu cầu người trả lời đáp ứng nhu cầu cấp bách của cử tri.
Đến Quốc hội khóa XI và các khóa sau, khi có đội ngũ ĐBQH chuyên trách đông đảo, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp tại kì họp cũng sôi nổi hơn, tác động mạnh và kịp thời hơn với đời sống xã hội vì các vị có điều kiện nghiên cứu vấn đề kĩ hơn, chủ động chất vấn và theo dõi sát việc triển khai chương trình công tác, chấp hành pháp luật ở các bộ, ngành. Cũng qua các phiên chất vấn trực tiếp mà đa số ĐBQH từ chỗ còn e ngại đã dần thể hiện trách nhiệm của mình trước Nhân dân, tìm hiểu sâu các vấn đề, mạnh dạn chất vấn người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Cũng có lúc, có người chất vấn mạnh mẽ, gay gắt làm cho không khí trong hội trường có phần căng thẳng, Chủ tọa điều hành phải lưu ý hoặc khéo léo tạo sự hài hòa thoải mái trong nghị trường.
Nhớ có lần một báo đăng bài cho là Quốc hội đánh Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Văn An đã chấn chỉnh ngay, đại ý là: Quốc hội và Chính phủ hoạt động cùng mục đích, cùng trách nhiệm trước dân; Chính phủ là cơ quan hành pháp, triển khai chủ trương của nhà nước, chấp hành pháp luật; càng làm nhiều, làm mạnh càng cần có người giám sát, kịp thời chỉ ra và chấn chỉnh những sơ suất dễ dẫn đến sai phạm mất cán bộ, mất tiền của dân. Chất vấn của ĐBQH là giúp Chính phủ làm đúng, là hỗ trợ Chính phủ. Chủ tịch còn nói vui: “Khi tôi là thợ điện, trèo lên cột sửa chữa luôn có đồng nghiệp đứng dưới quan sát kịp nhắc: An ơi, chú ý không chạm vào dây lửa, nguy hiểm”. Câu chuyện nhỏ, rất riêng nhưng thật chí lí, thật sâu sắc với việc thực thi pháp luật, với quản trị đất nước.
Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động chất vấn cho hiệu quả hơn. Khóa XII rồi khóa XIII, khóa XIV, để chất vấn tập trung hơn, sâu hơn, Quốc hội lựa chọn những Bộ trưởng, Trưởng ngành còn những vấn đề cần làm rõ trách nhiệm trong điều hành để đăng đàn chất vấn. Mỗi kì họp thường tập trung chất vấn trực tiếp 4 đến 5 vị, ở mỗi bộ, ngành cũng lựa chọn khoảng 3- 4 nhóm vấn đề, các “Tư lệnh” ngành khác có thể được Chủ tọa mời phối hợp trả lời làm rõ thêm nội dung liên quan. Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng trả lời chất vấn và kết hợp báo cáo làm rõ thêm nhiều nội dung mà ĐBQH và Nhân dân quan tâm. Chất vấn ngày càng được cử tri cả nước quan tâm và thực sự phát huy tác dụng tốt, thúc đẩy hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cá nhân người đứng đầu các cơ quan. Từ khóa XIII, chất vấn trực tiếp được mở ra cả ở nhiều phiên họp của UBTVQH, Nhân dân đồng tình và đánh giá tốt. Sau phiên chất vấn đã có Nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở cho ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành.
Chất vấn gọn, rõ; trả lời ngắn, đúng nội dung câu hỏi là yêu cầu thường xuyên của các phiên chất vấn trực tiếp nhiều khóa. Nhưng yêu cầu này càng được nhấn mạnh và điều hành dứt khoát, khoa học hơn ở khóa XIV, vì vậy mà mỗi phiên đã tạo điều kiện cho nhiều người chất vấn hơn, người trả lời báo cáo rõ hơn trách nhiệm và giải pháp của cá nhân và ngành mình. Dịch Covid -19 gây bao tác hại cho Nhân dân và trở ngại với mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Tại kì họp thứ 9, Quốc hội vận dụng họp hai đợt cả trực tuyến và trực tiếp nhưng không tổ chức chất vấn. Kì họp thứ 10 này đã tổ chức 2,5 ngày chất vấn tại hội trường. Vận dụng, kết hợp tất cả những kinh nghiệm, những mặt ưu việt của mấy chục năm tổ chức chất vấn trực tiếp, hầu hết các vị thành viên Chính phủ, Trưởng ngành đã được đại biểu chất vấn, qua đó báo cáo để Quốc hội, Nhân dân cả nước biết hoạt động của ngành và các giải pháp, kế hoạch thực hiện tiếp theo. Cùng với những đổi mới mạnh mẽ và liên tục trong hoạt động thì tranh luận tại phiên chất vấn là nét mới và ấn tượng nhất của khóa XIV, đại biểu dù ở Trung ương hay địa phương, dù hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm đều nêu cao trách nhiệm, mạnh dạn và tự tin khi chất vấn, tranh luận thẳng thắn trong bầu không khí xây dựng. Điều này càng cho thấy Quốc hội rất dân chủ, đúng pháp luật và ngày càng hiệu quả, tất cả cho một Quốc hội vì dân, một nhà nước thống nhất mục tiêu chung của Nhân dânn