Bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có
Sự kiện 06/06/2024 07:38
Chiều 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 5/6. |
Đối với chất vấn liên quan đến du lịch di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản… Chính vì vậy, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tiếp tục được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này…
Đối với các di tích, di sản được công nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bao giờ chính quyền địa phương- nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ các di tích, di sản. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là chúng ta phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, phát hành cam kết; tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản, làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản... Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh rồi, chúng ta cũng cần biết khai thác nó một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa…
Liên quan đến tiêu cực trong thể thao thời gian qua và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn không được đảm bảo và vụ việc ở đội tuyển thể dục dụng cụ.
Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. |
Bộ trưởng nhấn mạnh, khi phát hiện ra, Bộ cũng đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật...
Về vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em khi có tình trạng tại các phiên chợ, trẻ em tổ chức biểu diễn, nhảy múa văn nghệ để thu tiền, xin tiền của khách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định việc sử dụng lao động trẻ em như vậy là không đúng. Hơn nữa, các phiên chợ cũng không phải là địa điểm biểu diễn nghệ thuật. Nếu xảy ra ở vùng nào thì địa phương đó phải quản lý.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, Bộ cũng có một phần trách nhiệm, nhưng Bộ cũng không phải cơ quan quản lý hoạt động này. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các cơ quan có liên quan phải tuyên truyền, giáo dục về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Trả lời câu hỏi của đại biểu về các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, nhóm việc đầu tiên là đề xuất để ban hành chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Những đối tượng này được thụ hưởng 7 chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua như vấn đề tiền lương, bảo hiểm, chế độ thưởng bằng hiện vật, chế độ dinh dưỡng đặc thù…
Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài. Cần có cách làm mới hơn, khoa học hơn trong phát hiện năng khiếu, ứng dụng gen để đào tạo; tìm chọn ra các huấn luyện viên ở các cấp tuổi khác nhau.
Về thu hút đầu tư cho du lịch, Bộ trưởng cho biết, chúng ta luôn muốn kêu gọi đầu tư về lĩnh vực này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư, Ủy ban nhân dân nơi dự án diễn ra phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư về du lịch. Những địa bàn đang có dư địa tốt như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cần Thơ,… đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư.
Về sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng nêu rõ, hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Còn gói sản phẩm về du lịch đên mà Bộ đưa ra mang tính chất hướng dẫn, thí điểm. Nhưng chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường là: Bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có.
Đối với vấn đề liên kết trong xây dựng thương hiệu để phát triển du lịch, Bộ trưởng cho biết, Luật Du lịch đã quy định vấn đề này. Về thể chế, lĩnh vực du lịch khá đồng bộ, các luật, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch liên tục được ban hành, quan trọng là vấn đề tổ chức thực hiện. Do đó, chúng ta phải bám sát quy định, phát huy quy chế phối hợp, vai trò của vùng. Nhà nước có vai trò định hướng, tuy nhiên, sự sáng tạo thuộc về người dân và doanh nghiệp để giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu đã được vinh danh.
Về câu hỏi làm thế nào để giảm tác động đến các giá trị văn hóa truyền thống, Bộ trưởng nhấn mạnh, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng văn hóa. Trong thời gian qua, chúng ta đã có chủ trương đúng đắn trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong bối cảnh hội nhập. Các địa phương đều có ý thức giữ gìn văn hóa của địa phương, của dân tộc.
Đối với vấn đề liên kết các địa phương trong phát triển du lịch, chúng ta không thể không liên kết. Một sản phẩn tiêu biểu của địa phương này sẽ được kết nối với địa phương khác; các địa phương tích cực khai thác tiềm năng nổi trội của địa phương mình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc quản lý điểm đến.