Cần xác minh làm rõ chữ kí có dấu hiệu giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cao tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 02/02/2023 08:35
Từ việc dân sự...
Trong đơn, ông Nguyễn Văn Bắc trình bày: Ngày 20/2/2020, ông Bắc và Woosung Việt Nam kí“Hợp đồng mua bán hàng hóa” số: CA 50008/A2/WS-2020, với nội dung: Woosung Việt Nam đồng ý bán cho ông Bắc các loại thức ăn thủy sản thương hiệu PANAMO do Woosung Việt Nam sản xuất.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng, đối với mỗi đơn hàng ông Bắc đều đặt hàng và chuyển tiền trước khi nhận hàng, nên số tiền hàng ông Bắc đã chuyển trả cho Woosung Việt Nam tương đương với giá trị hàng hóa mà ông Bắc thực mua. Điều này được thể hiện: Từ ngày 20/2/2020 đến ngày 2/12/2020, ông Bắc đã chuyển tiền trước (lần 1) và nhận hàng là thức ăn cá của Woosung Việt Nam với tổng giá trị hàng hóa là 7.538.340.000 (tính cả số tiền chiết khấu ông Bắc được hưởng là 200.958.879 đồng).
Có dấu hiệu giả chữ kí của ông Nguyễn Văn Bắc và lập khống hóa đơn mua hàng đề ngày 29/4/2021 |
Đến đầu tháng 10/2020, nhân viên của Woosung Việt Nam thông báo thức ăn cá của Công ty chuẩn bị lên giá và nói ông Bắc chuyển tiền trước để được giữ giá cũ, ông Bắc đã chuyển trước (lần hai) cho Woosung Việt Nam số tiền 1 tỉ đồng.
Ngày 30/1/2021, ông Bắc và Woosung Việt Nam kí tiếp “Hợp đồng mua bán hàng hóa” số: 50013/HĐMBHH/F5/2021, với nội dung: Bên Woosung Việt Nam đồng ý bán cho ông Bắc các loại thức ăn gia súc, gia cầm (heo, gà, vịt) và các sản phẩm khác do Công ty sản xuất.
Tuy nhiên, việc thanh lí 2 “Hợp đồng mua bán hàng hóa” trên chưa được thực hiện theo quy định, dẫn đến xảy ra tranh chấp giữa ông Bắc và Woosung Việt Nam.
... Đến dấu hiệu về hình sự
Ông Nguyễn Văn Bắc khẳng định: “Bản chất việc trên là vụ việc dân sự. Thế nhưng do khi hết thời hạn hợp đồng mua bán hàng hóa số: CA 50008/A2/WS-2020 ngày 20/2/2020, phía Woosung Việt Nam không trực tiếp đối chiếu công nợ với tôi theo quy định, mà tự làm “Giấy đề nghị công nợ” có nội dung thể hiện dấu hiệu giả chữ kí của tôi xác nhận công nợ, để tất toán nhằm chiếm đoạt số tiền phải hoàn trả cho tôi khi kết thúc Hợp đồng số: CA 50008/A2/WS-2020. Đồng thời, để che đậy sự việc phía Woosung Việt Nam cho tôi kí Hợp đồng mua bán hàng hóa số: 50013/HĐMBHH/F5/2021 với Phụ lục hợp đồng cấp tín dụng tín chấp cho tôi mua hàng trả chậm, thời hạn trả nợ 60 ngày.
Ông Bắc cho rằng có việc giả chữ kí của ông và lập khống hóa đơn mua hàng ngày 29/4/2021. |
Đến nay tôi đã nhiều lần yêu cầu phía Woosung Việt Nam hoàn tất việc thanh lí hợp đồng và hoàn trả tôi số tiền còn lại chưa được nhận hàng, nhưng phía Woosung Việt Nam vẫn cố tình bỏ ngoài tai. Vụ việc kéo dài không được giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của gia đình tôi. Vì vậy tôi làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hình sự (có dấu hiệu giả chữ kí của tôi và lập khống hóa đơn mua hàng đề ngày 29/4/2021) đối với Woosung Việt Nam; yêu cầu Woosung Việt Nam hoàn trả cho tôi số tiền chưa được nhận hàng; và thông báo rộng rãi trên thông tin đại chúng về hành vi nói trên của Woosung Việt Nam, để mọi người biết, phòng ngừa”.
Cần một quyết định đúng của cơ quan có thẩm quyền
Để có cơ sở trả lời người cao tuổi là ông Nguyễn Văn Bắc, thực hiện quy định tại Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi trân trọng kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết sự việc nêu trên, để có kết luận đúng về những nội dung sau đây:
Một, giữa ông Nguyễn Văn Bắc và Woosung Việt Nam có kí các “Hợp đồng mua bán hàng hóa” số: CA 50008/A2/WS-2020 ngày 20/2/2020 và “Hợp đồng mua bán hàng hóa” số”: 50013/HĐMBHH/F5/2021 ngày 30/1/2021. Các hợp đồng này được thực hiện với kết quả như thế nào? Woosung Việt Nam có còn nợ tiền mua hàng của ông Nguyễn Văn Bắc (theo 2 hợp đồng nói trên) hay không? Các hợp đồng này đã được thanh lí xong hay chưa? Nếu đã hoàn tất việc thanh lí thì thể hiện như thế nào?
Tại “Biên bản thỏa thuận chấm dứt và thanh lý” lập ngày 29/1/2021, ở nội dung phần đầu của Biên bản này, có: “Căn cứ Văn bản đồng ý ngày 27/1/2021 của Công ty Dinh Dưỡng Hưng Thịnh”, nhưng bị ông Bắc bà Thu phản đối vì không có liên quan. |
Hai, ông Nguyễn Văn Bắc cho rằng về thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa số: CA 50008/A2/WS-2020, phía Woosung Việt Nam tự làm “GIẤY ĐỀ NGHỊ CÔNG NỢ” và có dấu hiệu giả chữ kí của ông Bắc vào giấy này.
Ba, theo Ủy nhiệm chi của Ngân hàng Agribank ngày 1/12/2020, ông Nguyễn Văn Bắc chuyển 200 triệu đồng cho Woosung Việt Nam, nhưng tại sao kế toán của Woosung Việt Nam báo chỉ có 110 triệu đồng? Và, ngày 8/12/2020, ông Bắc chuyển tiền 500 triệu đồng cho Woosung Việt Nam, nhưng tại sao kế toán của Woosung Việt Nam lại báo 50 triệu đồng?
Bốn, tại “Biên bản trả hàng và thu hồi hóa đơn”, lập ngày 7/5/2021, thể hiện bên bán hàng là Woosung Việt Nam; bên mua hàng là ông Nguyễn Văn Bắc; số hóa đơn 0011 0056, ngày phát hành 29/4/2021, ghi số tiền 401.512.000 đồng; và ông Nguyễn Văn Bắc có viết: “Tôi không đặt hàng và lấy hóa đơn ngày 29/4/2021”. Vậy, có việc lập khống đối với hóa đơn mua hàng đề ngày 29/4/2021?
Năm, tại “Biên bản thỏa thuận chấm dứt và thanh lí” về việc thanh lí hợp đồng mua bán hàng hóa, lập ngày 29/1/2021 tại trụ sở chính của Woosung Việt Nam, thể hiện: Đại diện bên A là ông Lim Min Soo, Tổng Giám đốc Woosung Việt Nam; đại diện bên B là ông Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Thu; và ở nội dung phần đầu của Biên bản này, có các căn cứ, trong đó có: “Căn cứ Văn bản đồng ý ngày 27/1/2021 của Công ty Dinh dưỡng Hưng Thịnh”. Nhưng, ông Bắc, bà Thu cùng đồng thuận nội dung: “Tôi không đồng ý vào căn cứ văn bản của Hưng Thịnh vì không liên quan”. Woosung Việt Nam giải thích như thế nào về nội dung “không liên quan” này?.