Sao lại chậm trễ trong việc xem xét thu hồi sổ đỏ có dấu hiệu trái luật?
Pháp luật - Bạn đọc 12/07/2022 09:21
Đơn của cụ Bùi Văn Khê cho biết: Trước đây, gia đình cụ ở tổ 16, khu 2, có nhà, có ngõ đi từ năm 1970, nay phần đất này cụ chuyển quyền thừa kế cho các con. Năm 1980, thấy cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Hậng và bà Nguyễn Thị Cẩm không có đất ở, nên cụ Khê đã nhượng lại một ô đất khoảng 200m2 (không bao gồm lối đi) cho ông Hậng và bà Cẩm. Việc mua bán chỉ nói mồm không có giấy tờ, bởi cụ và ông Hậng quen biết nhau và đều là công nhân mỏ than Hà Lầm.
Cụ Khê cho biết thêm: Thời điểm năm 1981, cụ là Quản đốc một phân xưởng của mỏ Hà Lầm, về khu dân cư cụ được chính quyền phường Hà Lầm giao đảm đương nhiệm vụ Tổ trưởng dân phố. Cụ đã hướng dẫn vợ chồng bà Cẩm làm đơn và báo cáo chính quyền phường cho gia đình bà Cẩm trên 100m2 là đất vườn của một gia đình người Hoa đã về Trung Quốc. Chưa hết, năm 1985, gia đình bà Cẩm còn xin gia đình cụ Khê một ô đất rộng hơn 100m2. Mảnh đất này, gia đình cụ Khê đang trồng rau ngót, sự việc cả khu xóm lúc ấy đều biết.
Mua, xin và được cho đất, gia đình bà Cẩm xây nhà và xây tường rào bao quanh ở ổn định 40 năm nay. Các con ông Hậng, bà Cẩm sinh ra, lớn lên và vương trưởng từ mảnh đất này, có người đã từng làm thư kí cho Chủ tịch UBND TP Hạ Long, và nay được điều chuyển về giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường. Hiện nay, gia đình bà Cẩm đã chuyển ra phường Bạch Đằng, ngôi nhà này cho thuê.
Ngõ đi lên nhà cụ Khê là ngõ đi duy nhất của 7 hộ dân tổ 16, khu 2, phường Hà Trung, hiện gia đình bà Cẩm cho đào móng, xây tường rào để chiếm (Một góc tường rào vườn bà Cẩm được xây bằng gạch ba banh). Ảnh chụp năm 2017, do Văn phòng Thừa phát lại Hạ Long cung cấp. |
Hiền từ, nhân hậu, bao dung, đùm bọc đồng nghiệp lúc khó khăn là thế, những tưởng gia đình bà Cẩm và các con sẽ không bao giờ quên ơn gia đình cụ Khê. Nhưng thật trớ trêu, năm 2000, ông Hậng và bà Cẩm đã “âm thầm” mời các cơ quan chức năng đến đo đất làm sổ đỏ mà gia đình cụ Khê không hay biết. Thay vì cắm, chỉ đúng mốc giới, gia đình bà Cẩm đã hướng dẫn cho cán bộ địa chính, những thợ đo đạc đo luôn cả tuyến đường đi chung của 7 hộ dân trong xóm; với chiều dài là 16 mét, chiều rộng 2,7 mét vốn là đất của gia đình cụ Khê đã dành ra để làm ngõ chung và đã được các hộ dân trong xóm góp công, góp của đổ bê tông cả chục năm nay vào ô đất của gia đình bà Cẩm (!) Sự việc chỉ phát lộ khi bà Cẩm đóng đinh vào ngõ đi chung này, ảnh hưởng giao thông, gây nên sự khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương từ năm 2017 đến nay.
Khi sự việc phát sinh tranh chấp, cụ Khê đã gửi đơn kiến nghị, đơn tố cáo đến các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, TP Hạ Long, phường Hà Trung suốt 5 năm qua. Đơn gửi đi, phiếu chuyển đơn kiến nghị của UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành đều ghi rõ: Yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hạ Long căn cứ quy định của pháp luật và thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết, trả lời công dân, báo cáo kết quả giải quyết với UBND tỉnh. UBND phường Hà Trung đã tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Trong biên bản họp tổ dân về việc tranh chấp đất đai ngày 23/3/2017, gần 20 người dự họp đều khẳng định gia đình bà Cẩm đã xâm phạm vào ngõ đi chung. Bằng chứng là trong các sổ đỏ của các hộ dân trong khu vực, đất nhà cụ Khê được UBND TP Hạ Long cấp đều thể hiện bản vẽ có lối đi chung. Việc bà Cẩm tự động đóng cọc xuống đường ngõ đi chung, không thông qua ý kiến các hộ dân là hành động không thể chấp nhận được.
Biên bản họp tổ dân 16, khu 2 phường Hà Trung ngày 23/3/2017. |
Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Chi bộ khu phố khẳng định: Về lí, về tình, cụ Khê bán đất cho bà Cẩm thì không thể bán đường đi. Nếu bán đường đi thì gia đình cụ về nhà bằng lối nào?”.
Ông Phạm Huy Thoa, nguyên Khu trưởng, Bí thư Chi bộ, 49 năm sống ở đây chứng kiến đường, ngõ đi chung vốn là thuộc phần đất của cụ Khê đã cắt ra làm ngõ đi chung của cả xóm.
Điều đáng chú ý là hầu hết các cuộc họp tổ dân, khu phố mặc dù liên lạc nhiều lần nhưng bà Cẩm và những người thân trong gia đình rất ít khi có mặt.
Vì sao chính quyền TP Hạ Long không xử lí dứt điểm?
Theo hồ sơ cấp sổ đỏ số AC 466718 của gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm, do UBND TP Hạ Long cấp ngày 12/72005; hồ sơ kĩ thuật thửa đất được đo vẽ, biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất được lập ngày 15/6/2000, có 3 chủ sử dụng đất liền kề là ông Phạm Văn Thuần, cụ Bùi Văn Khê và bà Phạm Thị Cúc.
Cụ Khê cho rằng, gia đình bà Cẩm giả mạo chữ kí của cụ và đã có thông báo kết luận giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP Hạ Long: “Chữ “Khê” dưới mục “các chủ sử dụng đất kí tên” trong “Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng)” ghi tên Nguyễn Thị Cẩm - Nguyễn Văn Hậng” đề ngày 15/6/2000, so với các chữ “Khê” trong các tài liệu mẫu so sánh (do ông Bùi Văn Khê cung cấp) không phải là một người viết ra”.
Thông báo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hạ Long xác định chữ kí của cụ Bùi Văn Khê trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Cẩm và ông Hậng là giả mạo. |
Để tìm hiểu thêm, phóng viên (PV) đã gặp cụ Phạm Văn Thuần, hộ có đất giáp ranh với thửa đất của gia đình bà Cẩm. Cụ Thuần cho biết: “Tôi năm nay 95 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, nguyên là Quản đốc một phân xưởng của Mỏ Hà Lầm. Tôi khẳng định, chữ kí trong hồ sơ đất của gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm không phải chữ kí của tôi. Tôi không viết được đẹp như thế, kể cả chữ kí bà Phạm Thị Cúc cũng đều là giả cả. Việc này tôi đã báo cáo với các anh Công an khi đến nhà tôi xác minh”.
Cụ Thuần cho biết thêm: “Đất của nhà tôi, gia đình bà Cẩm cũng lấn chiếm, cho xe ủi vào đào, chặt của tôi một cây mít, chính quyền vào lập biên bản, buộc gia đình bà Cẩm phải đền một triệu đồng”.
Cụ Phạm Văn Thuần khẳng định chữ kí của cụ trong hồ sơ đất của bà Cẩm là giả mạo |
Đặc biệt, sáng 18/4/2020, bà Cẩm và con trai Nguyễn Văn Hà đã huy động 10 người cùng máy xúc, máy cắt bê tông chiếm ngõ đi chung, hủy hoại tài sản của các hộ dân ước tính gần 5 triệu đồng, chưa kể hệ thống đường ống nước thải, và 5 đường ống cấp nước sinh hoạt của năm hộ dân, gây náo loạn cả khu dân cư, bất chấp thời điểm ấy đại dịch Covi-19 đang bùng phát mạnh, các cấp chính quyền và người dân đang tập trung chống dịch. Sự việc được cấp báo cho chính quyền và Công an phường đã đến lập biên bản. Đáng tiếc khi nhận đơn tố cáo tội phạm đề nghị khởi tố vụ án tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì Cơ quan CSĐT, Công an TP Hạ Long cho rằng đây là vụ án dân sự. Người dân trong ngõ cho rằng, kết luận này xem ra chưa thực sự khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây bất bình trong Nhân dân, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Thay cho lời kết
Cụ Bùi Văn Khê, một người cao tuổi, một cán bộ về hưu, thuộc diện gia đình chính sách, hơn 5 năm với biết bao đơn từ gửi đi nhận lại, chỉ mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc, giải quyết một ngõ đi “bị chiếm” cho 7 hộ dân, hơn 20 nhân khẩu. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như nhiều sở, ngành của tỉnh đã gửi công văn yêu cầu UBND TP Hạ Long, Công an TP Hạ Long sớm giải quyết vụ việc và báo cáo kết quả giải quyết theo quy định nhưng đến nay vẫn trong tâm trạng mòn mỏi chờ đợi.
Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm vụ việc, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong khu dân cư, điều mấu chốt là UBND TP Hạ Long cần sớm xem xét thu hồi sổ đỏ cấp cho gia đình bà Cẩm và ông Hậng, trả lại hiện trạng ngõ đi chung.