Các cơ quan chức năng cần xem xét quyền lợi của người dân bị thu hồi đất
Pháp luật - Bạn đọc 11/11/2022 09:05
“Bước ngoặt” chưa... trọn vẹn
Mới đây, tại buổi tiếp công dân trước kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện chủ trì phối hợp cùng Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp đại diện các hộ dân có đất đai bị thu hồi tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, TP Nha Trang. Thay mặt cho hàng chục hộ dân, bà Lê Thị Sương, người dân có đất bị thu hồi phục vụ Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô cho biết, nguyện vọng của người dân là mong Thanh tra Chính phủ công tâm trong việc kiểm tra, rà soát các sai phạm. Thực tế trong báo cáo vừa qua, trực tiếp hoặc gián tiếp, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hầu hết các kiến nghị của người dân và nhiều vấn đề xảy ra tại dự án “tai tiếng” này.
Cụ thể, vào thời điểm trình và phê duyệt Quyết định 252 thì diện tích dự án xin thuê vượt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 80ha; Công ty đo vẽ bản đồ không có chức năng đo vẽ bản đồ; Việc thành lập các bản đồ trích đo trình Thủ tướng thực hiện từ việc chuyển từ bộ bản đồ khác sang mà không thực hiện đo vẽ; có việc cấp chồng 2 dự án trên cùng một khu đất, có việc Thủ tướng phê duyệt cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu Hồ Chí Minh, nhưng UBND tỉnh Khánh Hoà lại cho chuyển cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang thuê đất.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Bình Nhưỡng và Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp thu ý kiến người có đất bị thu hồi tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. |
Đồng thời, có việc Dự án không được cấp Giấy phép đầu tư từ năm 2001 đến năm 2011; sân golf 18 lỗ không có giấy phép đầu tư riêng; có việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất 00 không có trong quy định nào về đánh số thửa đất; UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành quyết định điều chỉnh Quyết định của Thủ tướng; khu đất hơn 8 ha để hoang hoá hơn 20 năm; UBND tỉnh Khánh Hoà không tính thuê đất diện tích Công ty này lấn biển; UBND tỉnh Khánh Hoà cấp hơn 1.800 GCNQSDĐ dưới diện đất ở không hình thành đơn vị ở, không có trong Luật Đất đai.
Bà Sương kiến nghị: “Những vấn đề được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Báo cáo Thủ tướng có nhiều điểm mới, là bước ngoặt phù hợp với mong mỏi của Nhân dân trong suốt hơn 20 năm khiếu nại đòi công lí. Tuy nhiên, Báo cáo này lại không thấy “đả động” gì đến phương án đề xuất, giải quyết quyền lợi cho dân có đất bị thu hồi. Ngược lại, những “khuất tất” của dự án, Thanh tra Chính phủ lại cho là “phù hợp’’, khiến người dân vô cùng bất bình. Do đó, người dân mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tổ chức gặp dân để đối thoại, làm rõ trắng - đen”.
Đừng để dân tiếp tục kêu cứu
Người dân cho rằng, Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên Thanh tra Chính phủ lại cho rằng: “Việc nêu trình tự, thủ tục bảo đảm trên nguyên tắc thỏa thuận trong các báo cáo là đề cập đến vấn đề chấp thuận đầu tư trên nguyên tắc thỏa thuận vì Dự án có chủ đầu tư là tư nhân, nguồn vốn ngoài ngân sách, không thực hiện trình tự, thủ tục để phê duyệt đầu tư như đối với các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư. Việc viện dẫn nguyên tắc thỏa thuận để áp dụng vào chính sách đền bù là không chính xác”.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, đại diện người dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên, Thanh tra Chính phủ “né tránh” việc đề cập dự án có đúng đối tượng Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh… hay không? Vì Thông báo số 325/TB-UB trước đây về việc: “Thông qua dự án đầu tư, xây dựng Khu du lịch và giải trí Sông Lô” do Quyền Chánh văn phòng UBND tỉnh kí ban hành không thể là “Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, nên không đủ thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.
Nếu UBND tỉnh Khánh Hoà trình Thủ tướng phê duyệt cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thuê đất mà doanh nghiệp này chưa được cấp Quyết định đầu tư hoặc không có “Giấy phép đầu tư” thì hồ sơ xin thuê đất kèm theo Tờ trình 268 của UBND tỉnh Khánh Hoà trái với quy định tại Thông tư 293. Hồ sơ xin thuê đất kèm theo Tờ trình 268 cần phải xem xét lại tính pháp lí.
“Dự án Khu du lịch và Giải trí Sông Lô chưa có quyết định đầu tư nên không thuộc diện Nhà nước thu hồi theo Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ, do vậy, khi thu hồi đất, doanh nghiệp phải thoả thuận với người dân. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Khánh Hòa vào thời điểm đó lại thu hồi đất và đền bù mang tính áp đặt, là coi thường Nhân dân”- ông Bình bức xúc.
Có dấu hiệu khuất tất khi thay đổi chủ đầu tư
Theo ông Bình, mặc dù Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang mà không phải Công ty do Thủ tướng phê duyệt ban đầu là Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Tuy nhiên, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ lại cho đây là việc làm phù hợp với Điều 106 Luật Doanh nghiệp năm 1999 là khó có thể chấp nhận được.
Ông Bình cho rằng, việc chuyển đổi chủ đầu tư của dự án từ Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu sang Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang mà không thực hiện thu hồi dự án của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu, không lập thủ tục thuê đất cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang là có dấu hiệu vi phạm các quy định sau:
Thứ nhất, có dấu hiệu vi phạm Quyết định 252/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu TP Hồ Chí Minh thuê đất, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa lại cấp GCNQSDĐ cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, là dấu hiệu làm trái quyết định của Thủ tướng.
Thứ hai, việc UBND tỉnh Khánh Hoà điều chỉnh thay đổi đối tượng cho thuê đất mà không thực hiện lại các thủ tục đầu tư là dấu hiệu vi phạm Điều 31 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ: “Sau khi được người có thẩm quyền cho phép thay đổi nội dung dự án bằng văn bản thì dự án mới được tổ chức thẩm định lại và trình duyệt lại theo đúng quy định. Không được thay đổi quy mô đầu tư khi dự án chưa đưa vào khai thác sử dụng”.
Thứ ba, Hợp đồng thuê đất số 34/2001/HĐ-TĐ được kí giữa Sở Địa chính Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu (Theo mẫu Thông tư 293), Khoản 2, Điều 3 hợp đồng này nêu rõ: “Trường hợp bên B bị phân chia, sát nhập hoặc chuyển nhượng hợp đồng cho tổ chức, cá nhân khác mà tạo nên pháp nhân mới thì chủ đầu tư mới phải làm thủ tục thuê đất’’.
Theo ông Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội Luật Gia Việt Nam, Luật Đất đai năm 1993, 2003 và năm 2013 đều không có qui định nào Thủ tướng nhân danh mình ban hành Quyết định thu hồi đất mà chỉ có Chính Phủ, UBND các cấp ban hành Quyết định thu hồi đất. Đồng thời các Quyết định thu hồi đất đều phải phù hợp qui hoạch kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, Quyết định 252/QĐ-Ttg chỉ là quyết định phê duyệt chủ trương cho Công ty Hoàn Cầu thuê đất, không phải quyết định thu hồi đất. Thủ tướng không ban hành một Quyết định thu hồi đất trái luật như vậy. Việc Thanh tra Chính phủ khăng khăng cho rằng QĐ 252 của Thủ tướng là Quyết định thu hồi đất là không đúng Luật - ông Khuyến nhấn mạnh. |