Biến đổi khí hậu và sự chống chịu thiên tai
Đời sống 18/07/2024 10:06
Thiệt hại do thảm họa của khí hậu cực đoan
Theo các nhà khoa học, thiên tai trên thế giới có khoảng 21 loại thảm hoạ: Mưa bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, sóng thần, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, lốc xoáy, sạt lở đất đá, cháy rừng… Riêng ở Việt Nam có đến 20/21 thảm hoạ từng diễn ra, chỉ trừ sóng thần. Bởi vậy, nước ta được Tổ chức Khí tượng Thuỷ văn thế giới (WMO) xếp hạng đứng thứ ba trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu (Phillipines, Nigieria, Việt Nam, Haiti, Bangladesh, Papua Nw Guinca, Malawi, Fiji, Sudan và Nhật Bản).
Biến đổi khí hậu diễn ra trên khắp thế giới mà nguyên nhân do trái đất nóng lên bởi con người gia tăng sử dụng năng lượng hoá thạch, khai thác tài nguyên quá mức, nạn phá rừng, cháy rừng ngày càng gia tăng khiến cho diện bao phủ cây xanh giảm mạnh, nguồn nước bị xâm hại và chiến tranh ở một số khu vực do sử dụng vũ khí nóng…
Tùy mức độ nặng nhẹ, lớn nhỏ khác nhau, song nước nào cũng bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, đặc biệt các cường quốc là những nước phát triển có quy mô lớn, nền công nghiệp hoá phát triển mạnh và những nước thuộc khu vực thường chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân do sử dụng quá mức nguồn năng lượng hoá thạch, khiến ngày càng gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Ảnh minh hoạ |
Hoa Kỳ những năm gần đây gánh chịu vô cùng nặng nề nhiều lần thảm hoạ khủng khiếp, điển hình như cháy rừng Maui, lũ lụt ở California, bão Hurricane Idalia, ảnh hưởng của El Nino thúc đẩy mặt nước biển Thái Bình Dương ấm lên… khiến cho quốc gia này phải tốn tới 2.000 tỉ USD (chiếm 7,1% doanh thu hằng năm) để chống chịu, khắc phục hậu quả. Riêng năm 2023, Hoa Kỳ hứng chịu 28 vụ thảm họa lớn do biến đổi khí hậu gây thiệt hại 93 tỉ USD. Trong mấy tháng đầu năm 2024, tính đến ngày 14/7 nước này có 1.520 người bị sốc nhiệt, phần lớn tử vong do nóng nực nên người dân Hoa Kỳ coi nhiệt độ nóng lên là “kẻ giết người”.
Thời tiết khắc nghiệt khiến những đợt nắng nóng kỉ lục, hạn hán nghiêm trọng xảy ra và lượng mưa lớn chưa từng có đã tàn phá đất nước Trung Quốc. “Thảm hoạ nối tiếp thảm hoạ”, khiến quốc gia này hết cảnh báo màu vàng đến cảnh báo màu đỏ. Nạn cháy rừng lớn liên tiếp xảy ra ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Hồ Nam và mưa vô cùng lớn ở Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cam Túc, Thanh Hải và miền Nam Trung Quốc… gây ngập lụt trầm trọng, rủi ro gia tăng. Trong năm 2023, do biến đổi khí hậu Trung Quốc bị thiệt hại về kinh tế 93,16 tỉ nhân dân tệ (tương đương 12,83 tỉ USD), làm ảnh hưởng đời sống 32,38 triệu dân, trong đó hằng trăm người chết, mất tích; 3,17 triệu ha cây trồng bị huỷ hoại. Trong 6 tháng đầu năm nay, tính sơ bộ Trung Quốc bị thiệt hại 38,23 tỉ nhân dân tệ và 95 người mất tích hoặc tử vong. Biến đổi khí hậu khiến 49 triệu người dân Trung Quốc lâm cảnh khốn khó trong hai năm qua…
Khí hậu cực đoan gây nhiều thảm hoạ ở nước ta
Trong mấy năm gần đây, các cơn bão đến muộn, hoặc ít nhưng lại dày đặc các trận mưa lớn, diễn ra liên tục, gây lũ lụt, sạt lở đất đá nghiêm trọng ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Lâm Đồng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La và một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản do đất đá đổ xuống bất ngờ, làm đứt gãy một số tuyến đường giao thông phải khắc phục nhiều ngày, rất tốn kém. Tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, sông Đuống, sông Thao, sông Mã… do khai thác cát bừa bãi làm thay đổi dòng chảy, khiến nhiều đoạn bờ sông sạt lở, đổ sụp hàng chục căn nhà dân.
Trên trường quốc tế, Việt Nam cam kết tại COP 26, COP 27 và tuyên bố Paris về chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhưng ở trong nước vấn đề cấp bách phải chống “thời tiết cực đoan”, trong đó có tình trạng sạt lở đất đá vùng núi, sạt lở bờ sông… Gần đây nhất, ngày 12/7/2024 vụ sạt lở vô cùng nghiêm trọng xảy ra ở đường 34 (Hà Giang - Cao Bằng) tại thôn Tá Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang vùi lấp xe ô tô 16 chỗ, 11 người tử vong, 4 người bị thương…
Việt Nam không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines nhưng cũng có nhiều khu vực đứt gãy hoạt động mạnh, điển hình như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu và địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam, trong lịch sử từ năm 114 đến năm 2003, nước ta ghi nhận 1.645 trận động đất lớn nhỏ, độ lớn từ 3 độ trở lên. Trong thế kỉ XX, nước ta có trận động đất độ lớn 6,7 vào năm 1935 làm đứt gãy sông Mã; năm 1983 động đất ở Tuần Giáo độ lớn 6,8 xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La; năm 2023 trận động đất lớn 6,1 ở Vũng Tàu - Phan Thiết trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110, phun trào núi lửa Hòn Choi. Trong mấy năm gần đây, địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra hàng chục trận động đất độ lớn 3,9, độ sâu 8,2 km. Trong tháng 2/2023 Kom Tum ngày nào cũng có động đất, có ngày 2-3 trận, trận mạnh nhất có độ lớn 4,7 gây rung chấn cả khu vực rộng lớn, các tỉnh lân cận cảm nhận rõ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra ngập mặn do nước biển dâng, rất ít ngập do lũ từ thượng nguồn mà do mùa khô với nước biển dâng. Nguyên nhân do nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún (bình quân mỗi năm sụt lún 1cm, một số địa điểm sụt lún 4-5cm/năm trong khi nước biển dâng 3-5cm/năm. Nếu mức nước biển dâng 80cm thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có nguy cơ ngập mặn khoảng 31,94% tổng diện tích. Tình trạng này có nguyên nhân của biến đổi khí hậu, sự dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt của các lớp trầm tích trẻ, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bể mặt địa hình làm cho nền đất lún sụt gia tăng. Mặt khác, còn do con người khai thác nước ngầm quá mức, rồi quá trình đô thị hoá làm tăng tải trọng trên nền đất yếu, sự rung động do các hoạt động giao thông…
Giải pháp hữu hiệu để chống chịu biến đổi khí hậu và vận động cực đoan của vỏ trái đất là phải ra sức trồng rừng, giữ rừng, quản lí thảm thực vật, áp dụng kĩ thuật sinh học về đất; quản lí và sử dụng hệ thống thoát nước, lắp đặt các biện pháp vật lí như gia cố mái dốc đồi núi dọc các trục đường giao thông. Việc khai thác dầu khí trên biển phải tính toán theo quy hoạch, kế hoạch; nghiên cứu dòng chảy, độ sâu, quản lí nghiêm ngặt, không khai thác cát quá mức dẫn đến sát lở bờ đê, bờ sông; kè bờ sông, bờ biển những nơi xung yếu; đồng thời quy hoạch các khu dân cư dọc các đường giao thông miền núi, ven sông, ven biển, cần thiết phải di dời, tái định cư nhà dân có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất đá…