Xưng danh “ông trùm” BĐS Phú Quốc khiến nạn nhân “khuynh gia bại sản”
Pháp luật - Bạn đọc 04/05/2019 07:27
Lô đất “ma” nằm trên đường cao tốc An thới do Đông vẽ ra đã bị quy hoạch nhưng thực tế hiện tại hoàn toàn không phải. |
Dính bẫy mua “bánh vẽ”
Giữa năm 2017, anh Chử Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1988, ngụ tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, lặn lội ra Phú Quốc tìm mối làm ăn. Trong lúc ngồi quán cà phê nói chuyện với một người bạn bàn về việc ý định mua quyền sử dụng đất ở huyện đảo này để kinh doanh. Tình cờ câu chuyện của hai người được ông Lê Văn Đông, sinh năm 1973, ngụ tại xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, hiện thường trú tại Khu phố 8, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang, nghe thấy và đến bắt chuyện, làm quen.
Qua vài cuộc nói chuyện, ông Đông khoe mình đang có một cơ đồ xây dựng ở Phú Quốc với một Công ty BĐS và nhiều khu vực khác cũng có đất để đầu tư. Để lấy lòng tin các vị khách từ phương xa tới, ông Đông tự xưng là “trùm” BĐS Phú Quốc dẫn anh Nam cùng bạn đi dạo quanh nhiều khu vực và liên tục chỉ chỗ này, chỗ kia là đất thuộc chủ quyền sử dụng của mình. Chưa dừng lại, ông Đông còn chủ động mời anh Nam và bạn về nhà ăn cơm, liên tục “vẽ” ra một tương lai tốt đẹp nếu khách có ý định đầu tư mua BĐS ở đây.
Chiếc “thòng lọng” được ông Đông sắp đặt rất khéo léo đến nỗi chỉ sau mấy cuộc gặp gỡ, dùng cơm, nước đã khiến anh Nam gọi cả gia đình gồm mẹ, anh em và vợ cùng ra Phú Quốc tham quan và nghe ông Đông “thuyết trình” về kế hoạch sắp tới. Khi đã gạt bỏ được nghi ngờ từ gia đình anh Nam, ông Đông lập tức tiến hành các bước với gợi ý đề xuất góp tiền mua đất và mở văn phòng công chứng với ông này tại Phú Quốc.
Giữa tháng 1/2018, ông Đông giới thiệu với anh Nam có lô đất khoảng 11.000m2 đất tọa lạc tại ấp 4, thị trấn An Thới, được khách kêu bán với giá là 30 tỉ đồng. Ông Đông nói gia đình anh Nam góp vốn ¾ giá trị, phần còn lại ông Đông góp vốn ¼. Đồng thời, ông Đông sẽ là người đại diện đứng ra giao dịch với người chuyển nhượng đất (lý do ông Đông đưa ra đề nghị này là vì gia đình anh Nam ở TP Hồ Chí Minh, nên không rành về pháp lý đất đai ở Phú Quốc và thực hiện các giao dịch mua bán với chủ đất. Thời hạn hoàn thành việc mua bán hoàn chỉnh là 2 tháng đôi bên sẽ ra phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên gia đình anh Nam.
Cuối tháng 1/2018, gia đình anh Nam góp vốn đợt 1 và chuyển tiền trước cho ông Đông 7.5 tỉ đồng (tiền mặt và chuyển khoản), hẹn trong thời gian 2 tháng ký công chứng chuyển nhượng QSDĐ sẽ chuyển tiếp số tiền còn lại.
Sau vụ đầu tư vào tháng 1/2018 chưa hoàn thiện, thì 3 tháng sau ông Đông tiếp tục vẽ tiếp dự án để thuyết phục gia đình anh Nam đầu tư. Cụ thể, theo lời ông Đông thì có người đang chuyển nhượng quyền sử dụng 03 mẫu đất mặt tiền đường cao tốc An Thới – Dương Đông. Kế hoạch của ông Đông là hai bên cùng góp vốn mua đi bán lại lấy tiền chênh lệch. Ngày 09/04/2018, gia đình anh Nam chuyển tiếp 2,5 tỉ cho ông Đông để nhận chuyển nhượng 03 mẫu đất này. Mặc dù tiền đã chuyển, nhưng giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng lô đất nằm trên đường cao tốc An Thới đã bị ông Đông “lờ đi” không hề nói gì đến như đã hứa.
Bất ngờ hơn, ông Đông còn bán lại 1.000m2 đất mặt tiền đường cao tốc An Thới – Dương Đông với giá 2 tỉ đồng cho gia đình anh Nam. Sau đó ông Đông bịa ra lý do lô đất trên bị quy hoạch làm đường nên đổi vào lô đất cặp khu dân cư Suối Lớn mặt tiền giao lộ cao tốc An Thới – Dương Đông để chung làm xưởng tôn. Nhưng thực tế, lô đất mặt tiền An Thới – Dương Đông không bị quy hoạch đường mà là đất của người khác, không phải của ông Đông. Còn lô đất ông Đông đổi vào khu dân cư Suối Lớn thì đã bị quy hoạch và nhận tiền đền bù trước khi ông Đông bảo gia đình anh Nam đổi.
Tính ra chỉ sau 3 vụ góp vốn mua “bánh vẽ” bằng “miệng”, ông Đông đã “đốt” của gia đình anh Nam số tiền 12 tỉ đồng.
Giấy xác nhận nhận nợ của ông Đông |
Cảm thấy việc dụ dỗ “con mồi” quá dễ dàng sau vài vụ làm ăn liên quan đến BĐS, ông Đông tiến hành bước tiếp theo về “dự án” thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) như đã lên danh sách bắt mối làm ăn từ đầu.
Trong thời gian đầu năm 2018, ngoài việc hợp tác “chặt chẽ” trong việc mua bán BĐS, ông Đông gợi ý tiếp ý tưởng sớm phải thành lập sớm VPCC như kế hoạch. Ngoài ông Đông, anh Nam, còn có 3 người khác cùng tham gia. 3 người này, anh Nam chưa từng gặp mặt và không biết bất cứ thông tin nào mà chỉ nghe từ lời ông Đông kể. Theo đó, mỗi người sẽ góp góp 2 tỉ đồng để lo thủ tục giấy tờ và trong thời gian 2 tháng sẽ có giấy phép hoạt động của VPCC.
Một lần nữa, anh Nam tiếp tục chuyển tiếp 2 tỷ đồng vào tài khoản Ngân hàng ông Đông đứng tên. Ngoài ra, ông Đông còn thuyết phục anh Nam tìm thuê mặt bằng xây dựng văn phòng để đặt trụ sở là 2 tỉ đồng và anh Nam răm rắp tuân theo. Tuy nhiên, đã hơn 01 năm trôi qua, gia đình Nam vẫn không thấy giấy phép hoạt động của VPCC. Anh Nam nhiều lần đề nghị ông Đông cho gặp 03 thành viên còn lại để tìm hiểu lý do, thì ông Đông này tìm mọi cách hẹn hết lần này đến lần khác, nói là họ đều bận công việc, chưa sấp xếp để ngồi với nhau được.
Từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình anh Nam liên tục điện thoại yêu cầu ông Đông giải quyết các vấn đề mua bán giữa đôi bên, đồng thời muốn làm rõ các lý do việc hợp tác bị đình trệ. Nhưng, ông Đông không đáp ứng lại thiện chí này của gia đình anh Nam! Buộc lòng anh Nam phải có đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh ở Kiên Giang.(Còn nữa)
Nhãn |
Đơn tố cáo của gia đình Nam đến các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang. |
Thái Đào