Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển”
Nghiên cứu - Trao đổi 26/06/2024 10:42
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Hưởng ứng lời dạy đó, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh truyền thống gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên, nơi chia sẻ yêu thương, khó khăn, nơi bồi đắp nhu cầu tinh thần, tâm tư, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình, giúp đỡ nhau, cùng nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống nhằm tạo môi trường lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. |
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, coi giá trị gia đình là giá trị cốt lõi góp phần hình thành giá trị văn hoá dân tộc. Năm 2024, Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” là dịp để các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp Nhân dân quan tâm đến vị trí, vai trò của gia đình, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng mối quan hệ trong gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân cùng tổ chức thực hiện Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương trong khung giờ từ 17h30 đến 19h30 ngày 28/6/2024.
Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng, gìn giữ và phát triển với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng, bạo lực gia đình bị lên án, tỉ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện, bảo vệ và phát huy.
Tuy nhiên, trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gia đình còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỉ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình, nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp; tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình; tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng; khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn; mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo; không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng.
Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên, hạnh phúc, là nơi duy trì bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi gia đình và của xã hội, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, vậy nên các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội, giữa các thành viên trong gia đình không bền chặt.
Vì một gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, mỗi người dân và các hộ gia đình cùng các ban, ngành, đoàn thể hãy chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, ứng xử tốt đẹp trong gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, xây dựng mỗi gia đình là một tế bào lành mạnh của xã hội.