Vụ Phạm Thanh Hải bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản(Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 05/06/2019 10:55
“Nhà nước bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng công dân không bị lừa đảo, không bị chiếm đoạt tài sản, không tố cáo thì Nhà nước bảo vệ quyền lợi của ai?” Câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, đại biểu Quốc hội tại phiên tòa phúc thẩm xử Phạm Thanh Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có làm day dứt lương tâm của những người “cầm cân nảy mực”?…
Viện KS buộc tội nhưng không đưa được chứng cứ
Về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng hình sự (TTHS), theo Điều 20, Bộ luật TTHS năm 2015, Viện KS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS, quyết định việc buộc tội và phải chứng minh các căn cứ buộc tội.
Xuyên suốt cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử ông Hải, những người bị hại và luật sư kiến nghị Cơ quan điều tra và Viện KS đưa ra chứng cứ và người thật, việc thật, trong số trên 8000 hợp đồng các nhà đầu tư (NĐT) kí kết với ông Hải, có hợp đồng nào không thực hiện đầy đủ cam kết như nội dung đã thỏa thuận (trước thời điểm ông Hải bị bắt). Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KS không nêu được bao nhiêu người bị hại, họ tên gì, bị lừa như thế nào, số tiền thiệt hại bao nhiêu? Trong số 508 người bị coi là “người bị hại”, có 152 người làm đơn kháng cáo được triệu tập đến tòa phúc thẩm, họ đều khẳng định, họ không phải là người bị hại, không tố cáo ông Hải, tại sao Cơ quan điều tra lại đưa họ vào danh sách “người bị hại”? Trong số người có đơn tố cáo ông Hải, luật sư xác minh, đã có 10 người ở địa phương không tìm ra họ, phải chăng đây là những người “ma” tố cáo? Cơ quan điều tra đưa ra cáo buộc ông Hải đầu tư vào các dự án “ma”,vậy dự án nào là dự án ma? Vì theo danh mục địa chỉ thì Công ty IDT và ông Hải đầu tư trên 20 dự án có thật đang hoạt động, tại sao bảo là dự án ma? Cơ quan điều tra đưa ra 11-15 dự án, còn những dự án khác không đưa vào? Những câu hỏi trên, Viện KS cũng bỏ qua không trả lời(?)
Bên ngoài phiên phúc thẩm các NĐT (người bị hại) bằng băng rôn, áp phích khẳng định ông Hải không lừa đảo , không chiếm đoạt tài sản của họ. |
Tại trang 40 Bản án sơ thẩm nêu: “Hải là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ “tỉ đô”, nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến Công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó”. Cơ quan Công an xác minh tại các BL43046 - 43358, thì giai đoạn từ năm 2013 - 2018 là giai đọan đầu tư, dự án mắc ca chưa có kế hoạch chia lợi nhuận. Thẩm vấn tại tòa, bị cáo khai không phải chờ tới khi dự án chia lợi nhuận, nếu không bị bắt vào ngày 19/10/2015, thì chỉ một tuần sau (27/10/2015) hợp đồng giữa Công ty Maccadamia, Công ty IDT và Công ty Maxwanm (một công ty tài chính rất mạnh tại châu Âu) có hiệu lực với giá trị là 3,5 triệu USD (BL 56432 - 56434). Như vậy dự án cây mắc ca là cây “tỉ đô” là có căn cứ. Tại trang 40 án sơ thẩm, Cơ quan điều tra, xác minh các dự án đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như bị cáo hứa hẹn với các NĐT và đều không phải là dự án của Công ty IDT như ông Hải cam kết trong hợp đồng với các NĐT. Tranh tụng trước tòa, bị cáo và các luật sư đã đưa ra một số dự án đầu tư đủ thời gian đã có lợi nhuận hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đồng như Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác quản lí chợ Cường Phát, Dự án Happylan, Dự án học làm giàu… vì sao cơ quan điều tra lại lờ đi sự thật này? Với các nhìn võ đoán, phiến diện của cơ quan điều tra, kết luận theo kiểu “ăn sổi”, thì các dự án mới đầu tư “như bà bầu chưa đến tháng đẻ” thì làm sao đã sinh lời?
Đại diện Viện KS cũng không có căn cứ để luận tội khi cáo buộc ông Hải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thì khối tài sản ông Hải chiếm đoạt làm của riêng, rồi tẩu tán tài sản và bỏ trốn các NĐT như thế nào?
Chuyện lạ tại phiên tòa
Thay vì làm đơn tố cáo, những người được Cơ quan điều tra và Viện KS coi là “bị hại” lại đơn kêu oan cho ông Hải. Khác hẳn với các vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các bị hại muốn trút cơn giận dữ, thịnh nộ lên bị cáo, bằng những lời la ó, chửi rủa và manh động hơn còn ném đá, ném “cà chua, trứng thối” vào kẻ lừa đảo, còn với ông Hải- người bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thì ngược lại, có hơn 100 người mà Cơ quan điều tra và Viện KS coi là “bị hại” được vào dự phiên tòa, đã đứng dậy vỗ tay khi ông Hải được dẫn giải vào tòa. Trước đó có cả trăm “người bị hại” đứng ngoài cổng tòa với băng rôn, áp phích, khẳng định ông Hải không lừa đảo và đề nghị tòa xử công khai, công bằng đúng pháp luật…
Tại phiên tòa sơ thẩm, khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên án phạt ông Hải tù “Chung thân”, những tiếng khóc sụt sùi khắp khán phòng. Chưa có phiên tòa nào người bị hại lại khóc kêu oan cho kẻ “lừa đảo” như vụ án xử ông Hải. Còn luật sư thì khóc vì công lí dắt vào ngõ cụt, trắng đen lộn sòng(!) Luật sư Phạm Cương nói:“Dù có phải lên máy chém. Tôi vẫn khẳng định Phạm Thanh Hải hoàn toàn vô tội”. Đến phiên tòa phúc thẩm, luận sư Nguyễn Văn Chiến hỏi HĐXX: “Nhà nước bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng công dân không bị lừa đảo, không bị chiếm đoạt tài sản, không tố cáo thì Nhà nước bảo vệ quyền lợi của ai?”
Những ý kiến tranh tụng của bị cáo, luật sư và những “người bị hại”, người có liên quan cả trước tòa, rành mạch, rõ ràng, đầy căn cứ, đối nghịch với sự đuối lí, thiếu căn cứ của đại diện Viện KS.
Để có được căn cứ trong bản án phúc thẩm, HĐXX đã coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trong đó ý kiến của luật sư bào chữa, bị cáo, các NĐT, người có quyền lợi liên quan, đã đưa ra những căn cứ có lí có tình, minh oan cho bị cáo.
Khi Chủ tọa phiên tòa tuyên hủy án sơ thẩm, trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra, điều tra làm rõ thêm chứng cứ, nhiều người dự phiên tòa cùng đứng dậy vỗ tay, những giọt nước mắt mừng rơi trên má.
Ông Phạm Thanh Hải bị án sơ thẩm xử tù “Chung thân”, với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau gần 4 năm giam giữ, hiện vẫn đang bị tạm giam. Tất cả lại trông chờ ở phiên tòa sơ thẩm xét xử lại.
Mong có thẩm phán Phùng Lê Trân trong vụ án Phạm Thanh Hải
Những “người bị hại” hi vọng ở phiên tòa sơ thẩm xử lại, Cơ quan điều tra sẽ không “ép” họ thành “người bị hại”, để lặp lại những sai sót, thiếu căn cứ như đã diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm trước đây. Những chuyện lạ qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hi vọng ở phiên tòa sơ thẩm xử lại, những người “cầm cân nẩy mực” nghe được, thấu được những tiếng nấc, những dòng nước mắt của những người bị hại kêu oan cho bị cáo, để có phán quyết hợp lòng người, đúng pháp luật.
Mong muốn của các NĐT cũng chính là mong muốn của các cử tri, gửi tới Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, xin lắng nghe ý kiến của người dân, hiểu được nỗi lòng cử tri, để giám sát, chỉ đạo ngành tư pháp có những thẩm phán có tầm, có tâm được lưu danh như thẩm phán Phùng Lê Trân - người đã tuyên Tạ Đình Đề vô tội, trong phiên tòa vụ án Tạ Đình Đề 43 năm trước.
Đinh Quyết Thắng