"Vụ án hoa sữa"
Cùng suy ngẫm 02/11/2022 10:20
Chuyện là năm 1978, đạo diễn Đức Hoàn đặt hàng 1 bài hát cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Có người bạn "xui" nhạc sĩ viết về hoa sữa và thế là: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em…”. Nào ngờ ca khúc trở thành một trong những bài hát hay về Hà Nội, dù không có ca từ nào nhắc đến Hà Nội. Chính Hồng Đăng thú nhận, khi viết ca khúc, ông chưa hề nhìn thấy hay ngửi hương hoa sữa. Thế mới tài!
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em… |
Thực ra, hoa sữa (Alstonia Laris) dân ta còn gọi là hoa mò cua, có nguồn gốc Đông, Đông Nam châu Á, người Pháp mang về Hà Nội trồng từ rất sớm. Dân Hà Nội lúc đó thưa thớt và người Pháp cũng chỉ trồng điểm xuyết loáng thoáng nên chả ai thấy nhức đầu vì mùi hoa đó. Hồi trẻ, tôi còn chép vào sổ tay bài thơ của Hải Như viết 1970: "Thành phố ngủ riêng hoa sữa thức/ Như tình yêu hoa sữa thơm nồng/ Xin đừng hỏi vì sao hoa sữa ngát/ Tuổi tròn trăng sao má em hồng....". Sau này còn nhiều tác phẩm của Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn hay Phú Quang nhắc tới hoa sữa. Tại sao họ vẫn "vô can"?
Đầu tiên phải công nhận bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng quá hay, sau đó cũng có thể vô tình hoặc hữu ý mà Hà Nội trồng "vô tội vạ". Loài cây này lại có sức sống mãnh liệt nên hoa sữa ngày càng nhiều, đến nỗi người ta gọi Hà Nội là "thành phố hoa sữa", dần dần tỉnh thành nào cũng trồng. Tôi lên Hà Giang thấy "hoa sữa thơm mùi thơm chờ đợi", ra Phú Quốc cũng thấy "hoa sữa ngát căng đôi lồng ngực". Có lẽ là tâm lí đua đòi, rập khuôn máy móc của một số người (như việc chăng đèn, kết hoa, dựng cổng chào hay tượng đài những năm qua vậy).
Trở lại nỗi khổ vì "đêm anh ngủ riêng hoa sữa thức", nếu nói dị ứng mùi hương là hơi oan. Hoa sữa và một số cây khác thụ phấn nhờ gió, tức là phấn hoa của chúng cứ thả ra không khí, để "gió cuốn đi" may mắn gặp nhụy hoa, chúng thụ phấn và kết trái. Một số người mẫn cảm sẽ dị ứng với phấn hoa sữa chứ không phải tại mùi hương.
Trong thiên nhiên còn có rất nhiều loại phấn hoa gây dị ứng như hoa li, hoa xoan, hoa anh đào... chứ không chỉ có hoa sữa. Phấn hoa tuy bé nhưng thành phần rất phức tạp, trong đó có protein, các protein này đóng vai trò dị nguyên, khi ta tiếp xúc qua da, qua hệ hô hấp hay tiêu hóa, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại các dị nguyên, đó là hiện tượng dị ứng. Dị ứng hoa sữa thường rất nhẹ, như ngứa, chảy nước mắt, hắt hơi xổ mũi, ho hoặc khó thở. Thông thường sẽ tự khỏi, ít khi phải điều trị, trừ trường hợp quá mẫn.
Tôi cũng từng khổ vì phấn hoa sữa, bây giờ ở các thành phố, với mật độ dày đặc, lại nở cuối Thu, khi sương xuống, chúng quyện vào nhau, mùi hương càng "nồng nàn". Mùi phấn hoa làm khổ dân thì chặt bỏ, còn di dời đi đâu mà dền dứ mấy năm nay?
Tối nay tôi đi qua gốc cây hoa sữa, chợt nhớ đến "nỗi oan" của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhớ những tác phẩm có nhắc đến hoa sữa, xin viết đôi dòng để cùng suy ngẫm.