Vụ án “Cố ý gây thương tích” ở TP Tuyên Quang: Xuất hiện vật chứng mới, có thể làm thay đổi bản chất vụ án
Pháp luật - Bạn đọc 20/09/2018 10:28
Theo Cáo trạng của Viện KSND TP Tuyên Quang: Khoảng 12 giờ 10 phút ngày 11/7/2016, ông Phạm Văn Hòa, ở tổ 9, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang bê mâm cơm lên nhà để ăn, thì thấy có mùi hôi thối. Ông Hòa báo cho bà Nguyễn Thị Quy, Tổ trưởng dân phố đến giải quyết. Bà Quy phát hiện trên tường rào phía sau nhà chị Nguyễn Thị Ngọc (sát liền kề nhà ông Hòa) có treo 2 túi ni lông bốc mùi, nên bảo cháu Kiều Ngọc Sơn (con trai chị Ngọc) lấy cuốc đào hố chôn đi. Nhưng cháu Sơn lại đi ra quán nước gọi chị Ngọc về. Về đến nhà, giữa ông Hòa và chị Ngọc cãi chửi nhau… Ông Hòa chạy đến bức tường nhà chị Ngọc nhặt viên gạch ném nhưng không trúng.
Chị Ngọc tiếp tục chửi, ông Hòa lại đống gỗ trước nhà mình lấy thanh gỗ chống bạt dài khoảng 1,58cm (đúng ra là 1,58m), rộng 3cm, dầy 2cm quay lại chỗ chị Ngọc đang đứng ở sân trước cửa nhà, gần cổng ra vào nhà chị Ngọc để đánh… Ông Hòa đứng cách chị Ngọc khoảng 1,3m, cầm thanh gỗ tay phải vụt từ trên xuống, trúng vào vùng trán, đầu cung mày và mi mắt trên bên phải chị Ngọc làm rách da, chảy máu, thanh gỗ gãy làm 4 đoạn. Bà Quy can ngăn 2 bên và báo Công an phường Phan Thiết đến giải quyết, lập biên bản vụ việc, thu giữ 4 đoạn gỗ: 1 đoạn dài 62cm, 1 đoạn dài 34cm, 1 đoạn dài 37cm, 1 đoạn dài 25cm có chữ kí của ông Hòa. Chị Ngọc được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang…
Cáo trạng số 80/CT-VKS-TP ngày 20/7/2018 truy tố ông Phạm Văn Hòa ra TAND TP Tuyên Quang, để xét xử tội danh “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ, Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm. Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 2 đến 6 năm tù.
Quang cảnh phiên tòa
Nếu xét cơ chế vật lí với hành vi vụt từ trên xuống, thì ở đây xuất hiện ngay nhiều điểm vô lí: Thanh gỗ dài 1,58m (theo kết luận của cơ quan tố tụng), bản thân nó đã vượt quá khoảng cách giữa 2 người (theo kết luận là 1,3m). Đã vụt theo hướng từ trên xuống, đương nhiên phải giang thẳng cánh tay, vậy thanh gỗ dài 1,58m cộng chiều dài sải tay, tới đỉnh đầu thanh gỗ cũng phải xấp xỉ 2m. Vậy, đầu thanh gỗ không thể sượt ngang mặt chị Ngọc, để gây vết thương rách chân mày mắt phải được, mà chắc chắn thanh gỗ sẽ giáng thẳng xuống đỉnh đầu chị Ngọc. Mặt khác, nếu đúng bị cáo Hòa cầm thanh gỗ vụt từ trên xuống, đầu thanh gỗ sượt qua trán phải đến mi mắt phải bị hại, gây rách da, chảy máu như mô tả của cơ quan tố tụng, thì thanh gỗ không thể gãy được làm nhiều mảnh, mặc dù thực tế thanh gỗ đã có phần bị ải. Trong trường hợp này, đầu thanh gỗ đi từ hướng trên xuống, sượt vào chân mày bị hại gây rách da, thanh gỗ theo đà vẫn tiếp tục đi xuống, không vướng chướng ngại vật nào, nếu có gãy thì chỉ có thể gãy làm đôi.
Ông Phạm Văn Hòa, bị cáo buộc tội danh “Cố ý gây thương tích”
Trong vụ án này, việc giám định thương tích được thực hiện bởi 3 cơ quan khác nhau và cho ra các kết quả khác nhau: Kết luận giám định pháp y thương tích số 3821/C54-TT1 ngày 19/10/2016, của Viện Khoa học hình sự, Tổng cục cảnh sát kết luận, tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của chị Nguyễn Thị Ngọc tại thời điểm giám định là 14%; thương tích do vật tày có cạnh tác động gây nên. Sau đó, Viện pháp y Quân đội, Cục Quân y giám định lại, ra bản Kết luận số 601/GĐ-PY ngày 21/11/2017, kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể của chị Nguyễn Thị Ngọc là 45%, cũng do vật tày có cạnh gây nên. Rồi Kết luận giám định pháp y về thương tích lần 2 số 90/18/TgT ngày 16/5/2018 của Viện pháp y Quốc gia, Bộ Y tế lại kết luận, tổng tỉ lệ tổn thương của bị hại là 14%.
Bức tường giáp ranh 2 gia đình: Ông Phạm Văn Hòa, chị Nguyễn Thị Ngọc, nơi chị Ngọc treo 2 bịch ni lông hôi thối là nguyên nhân gây ra vụ việc
Luật sư Lợi dẫn chứng: Cơ quan điều tra mới cho giám định vết máu ở vị trí cách đầu mảnh gỗ dài 37cm là 25cm, trong khi kết luận vết thương trên mi mắt của bị hại do vật tày có cạnh gây nên, mà không cho giám định tại đầu thanh gỗ có cạnh sắc xem có tế bào da, hoặc tế bào máu của bị hại hay không?. Điều này là thiếu sót, dẫn đến chứng cứ chứng minh cho kết luận bị cáo dùng gậy vụt vào mặt bị hại rất thiếu thuyết phục. Phiếu khám bệnh ngày 11/7/2016 của bị hại thể hiện, tay trái sưng nề, bầm tím. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, cũng thấy có nhiều vết bầm tím vùng ngực trái, cẳng tay trái. Thế nhưng, khi tiến hành xem xét dấu vết trên cơ thể bị hại, điều tra viên không tiến hành làm, mà chỉ lấy thông tin do bác sĩ cung cấp cho cán bộ Công an phường Phan Thiết, là vi phạm nghiêm trọng Điều 203 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, biên bản xem xét dấu vết trên cơ thể bị hại không có giá trị pháp lí.
Một năm sau kể từ ngày bị hại nhập viện, Cơ quan điều tra mới lấy lời khai của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Do đó, lời khai của họ không còn chính xác. Việc nhận định về chuyên môn của các bác sĩ chung chung và không đồng nhất về các vết bầm tím trên cơ thể bị hại. Do đó, không có căn cứ cho rằng, các vết bầm tím trên cơ thể bị hại có trước khi xảy ra xô sát với bị cáo. Việc thực nghiệm điều tra cũng không đúng với hành vi, động tác theo các lời khai của bị hại, bị cáo, người làm chứng…
Hiện trường xảy ra vụ án, HĐXX đang làm thủ tục xác minh nguồn gốc vật chứng mới
Theo luật sư Vũ Văn Lợi, nếu xác định đoạn gỗ đúng là thành phần gãy ra từ thanh gỗ tang vật, thì rất có thể làm thay đổi bản chất của vụ án. Và như vậy, sẽ phải điều tra lại từ đầu, chứng minh lại cơ chế gây thương tích và cơ chế hình thành vết thương của bị hại. Có đúng bị cáo Phạm Văn Hòa gây ra thương tích tại vùng trán và mi mắt bị hại Nguyễn Thị Ngọc hay không?. Điều này còn phụ thuộc vào thái độ làm việc nghiêm túc của cơ quan tố tụng TP Tuyên Quang.
Báo Ngày mới Online sẽ trở lại vụ án này khi có những diễn biến mới.
Hoàng Linh