Viết tiếp bài: “Quậy phá” phòng khám để đòi nợ có là vi phạm pháp luật?: Cần làm rõ các hoạt động tổ chức “đòi nợ” của Công ty Tích Tắc
Pháp luật - Bạn đọc 03/09/2018 12:02
“Lộng hành” khắp nơi?
Liên quan đến các đơn thư kêu cứu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước về việc những nhân viên của Công ty TNHH mua bán nợ Tích Tắc có địa chỉ tại số 609/25 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh có những hành động đòi nợ theo kiểu “xã hộ đen”, và qua mặt Công an sở tại chỉ bằng một “thông báo” không đủ cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động đòi nợ. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Công ty Tích Tắc thực hiện các hành vi này. Còn nhớ, khoảng cuối năm 2017, Công ty Tích Tắc cũng đã “tự ý thi hành án” tại TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lăk, khi một cán bộ pháp chế của Công ty này là ông Huỳnh Văn Thiện, đã có hành vi đe dọa, hành hung ông Trần Tiến Bình, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Thái Hòa để đòi nợ. Theo hồ sơ, khoản nợ của ông Trần Tiến Bình với bà Lê Thị Tám cũng trú tại TP Buôn Mê Thuột đã được TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử và cũng đã có quyết định thi hành án.
Ông Thiện, cán bộ pháp chế của Công ty Tích Tắc (đứng giữa) dùng tay đánh ông Bình tại văn phòng luật sư
(Ảnh cắt từ clip ông Bình cung cấp).
Tháng 5/2018 vừa qua, một nhóm người của Công ty Tích Tắc cũng đã vây kín cổng ra vào của gia đình ông L.N.L trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Mê Thuột để đòi nợ.
Theo ông L, sở dĩ nhân viên Công ty Tích Tắc “vây cổng” để đòi nợ là do ông có nợ bà Bùi Thị Ngọc Tuyết (trú tại 188 Lê Hồng Phong, TP Buôn Mê Thuột) 990 triệu đồng. Bà Tuyết đã kiện ông L ra tòa. Sau khi tòa án 2 cấp ở Đắk Lắk tuyên buộc ông L phải trả cho bà Tuyết số tiền nói trên, bà Tuyết đã bán khoản nợ này cho Công ty Tích Tắc.
Người đại diện pháp luật đã từng bị truy tố...
Theo giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0314093453 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 3/11/2016 thì người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH mua bán nợ Tích Tăc là bà Trần Thị Lệ Thư, có địa chỉ thường trú tại số 82/2 Lê Văn Nhung, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Theo hồ sơ tài liệu mà phóng viên có được thì Bà Trần Thị Lệ Thư, nguyên là chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang.
Đầu tháng 8/2011, bà Trần Thị Lệ Thư đã bị Cục Điều tra hình sự Viện KSND Tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Không thi hành án”.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị miễn truy tố đối với Bà Trần Thị Lệ Thư, mà chỉ xử lý về mặt hành chính với hình thức là “khiển trách”. Vị cán bộ này cũng cho hay, hiện tại bà Thư đã nghỉ hưu mấy năm nay, đã bán nhà (số 82/2 Lê Văn Nhung, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang – Pv) và không còn lưu trú tại địa phương.
Cổng ngôi nhà số 82/2 Lê Văn Nhung, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã được bán cho người khác.
Có phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”?
Liên quan đến việc Công ty Tích Tắc cử rất đông nhân viên đến nhà bà Ngô Thị Thông để ép giấy vay nợ 34,5 tỷ đồng, Thạc sĩ luật, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội cưỡng đoạt tài sản thường thể hiện ở những hành vi đe dọa dùng vũ lực để gây thiệt hại cho người bị hại. Mục đích của việc đe dọa này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe doạ nêu trên.
Việc đe doạ được thực hiện bằng việc đe doạ bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại, hoặc đe dọa qua nhắn tin, điện thoại… Hoặc có thể dùng các thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người bị hại, để buộc họ bàn giao tài sản, để chiếm đoạt theo ý chí của người phạm tội.
Thời điểm hoàn thành tội phạm được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để (với mục đích) chiếm đoạt.
Về nguyên tắc, mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khác.
“Đối với việc nhân viên của Công ty Tích Tắc, tổ chức đông người đến nhà bà Thông không ngoài mục đích gây sức ép để buộc bà Ngô Thị Thông ký giấy vay nợ 34,5 tỷ đồng mà thực tế bà Thông chỉ nợ ông Cường khoảng 5 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi (Ông Cường là người bán nợ cho Công ty Tích Tắc) thì có thể thấy đã có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Không những vậy, Công ty Tích Tắc không đưa ra Giấy phép hoạt động dịch vụ thu hồi nợ, mà ngang nhiên tổ chức “đòi nợ” một cách công khai cũng là một trong những dấu hiệu cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản”, Luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Viện KSND tỉnh Bình Phước, cơ quan này đã chuyển các thông tin liên quan đến việc nhân viên của Công ty Tích Tắc tổ chức “ thu hồi nợ” đến Công an thị xã Đồng xoài để làm rõ.
Từ những phản ánh trên, Báo Ngày mới Online (Báo Người cao tuổi) đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ các hoạt động “đòi nợ” có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Mua bán nợ Tích Tắc (nếu có) bắt đầu từ vụ việc của Công ty Đức Thọ.
Hải Long – Trúc Linh