Việt Nam là quốc gia thành công trong việc nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
Đời sống 29/11/2019 14:48
Việt Nam được đánh giá rất thành công với mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) và được một số nước học tập làm theo. Tuy nhiên, theo bà Usa, cố vấn Tổ chức HAI khu vực Châu Á Thái Bình dương thì: “Mô hình CLB LTHTGN tại Việt Nam thành công nhất, nhưng mỗi mô hình còn phụ thuộc vào tình hình của từng quốc gia, từng địa phương cụ thể, đem áp dụng vào quốc gia khác chưa chắc đã thành công”.
Đến cuối năm 2018 Việt Nam có 11,3 triệu NCT chiếm 11,9% dân số. Để thích ứng với già hóa dân số, Đảng, Nhà nước Việt Nam có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến NCT như: Hiến pháp, pháp luật NCT, các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận của người dân trong chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng NCT phát triển ở các địa phương như các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão của Nhà nước và tư nhân cùng các loại hình CLB NCT góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCT và cộng đồng xã hội.
Theo TS Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam: “CLB LTHTGN được tổ chức thí điểm năm 2007 ở tỉnh Thái Nguyên, với sự hỗ trợ của Tổ chức HAI. Đến cuối tháng 6/2019, Việt Nam thành lập và duy trì hoạt động khoảng 1.800 CLB tại 56 tỉnh, thành phố, với gần 90 nghìn thành viên. Thực tế khẳng định, cả 8 hoạt động của CLB đều phù hợp và thiết thực với NCT có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo hoặc cận nghèo. Các hoạt động không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên, gia đình, cộng đồng mà còn chia sẻ trách nhiệm xã hội với ngành LĐ,TB&XH, Y tế, Văn hóa - Thể thao, Tài nguyên - Môi trường…”.
Ông Balayat Hassain đại diện tổ chức HAI tại Bangladesh khẳng định: “Khi áp dụng mô hình CLB LTHTGN của Việt Nam vào Bangladesh rất khó khăn, nhưng sau một thời gian đã đạt được kết quả khá tốt”. Ông cho biết: Đến năm 2050, Bangladesh có 51% người từ 60 tuổi trở lên, NCT phải đối mặt với khó khăn, bệnh tật, sự cô đơn khi người trẻ ở nông thôn ra TP làm việc. Mô hình hỗ trợ NCT ở Bangladesh chỉ ở mức độ công đoàn, với khoảng 3.000 NCT được hỗ trợ về y tế, tiếp cận với các vốn vay nhỏ… nên muốn tập trung xây dựng mô hình tốt nhất phù hợp và để chính phủ biết những nhu cầu của NCT...
Ở Campuchia hiện có 1.446 nhóm NCT tổ chức ở cấp xã, 8 liên đoàn hỗ trợ NCT ở 3 tỉnh, 1.500 CLB hoạt động, hợp tác với các tổ chức, chính quyền. Với mô hình hoạt động năng động, các thành viên có thể đưa ra ý kiến với chính phủ. Năm vừa qua, 80% thành viên CLB được khám sức khỏe định kì, phụ nữ khó khăn được tiếp cận vốn vay nhỏ, có hỗ trợ NCT tại nhà và hỗ trợ truyền thông… Khó khăn là khó lựa chọn được Ban chủ nhiệm và thành viên cho CLB, nên mong muốn thúc đẩy các hoạt động để chính phủ quan tâm hơn nữa tới NCT.
Đại điện Tổ chức HAI ở Indonesia cho biết: “Indonesia thành lập được 22 nhóm CLB hỗ trợ tâm lí NCT, trong đó 15 CLB với khoảng 300 thành viên chuyển đổi hoạt động theo mô hình CLB LTHTGN của Việt Nam. Đến năm 2050 số NCT tại Indonesia tăng cao, vì thế muốn phát triển nhiều CLB để NCT thường xuyên tập thể dục, được khám sức khỏe, hỗ trợ tại nhà và tư vấn tăng thu nhập…”.
Với nhiều ý kiến chia sẻ thuận lợi và khó khăn, đại diện Tổ chức HAI ở 9 quốc gia đều mong muốn nhân rộng các mô hình CLB nhằm hỗ trợ NCT về y tế, thu nhập, chia sẻ khó khăn, nâng cao đời sống tinh thần tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động, có tiếng nói đến các cơ quan quản lí nhà nước và chính phủ các nước để các chính sách hỗ trợ NCT đồng bộ và toàn diện.
Bà Usa kết luận: Để có mô hình tốt không khó, nhưng khó là nhân rộng mô hình. Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc nhân rộng mô hình CLB LTHTGN.