![]() |
Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Hội NCT Việt Nam vừa tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Đề án 1336 của Chính phủ về nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN). Phóng viên Tạp chí Người cao tuổi phỏng vấn bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi (NCT) Quốc tế (HelpAge International - HAI) tại Việt Nam về sự cần thiết tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới. |
PV: Thưa bà Trần Bích Thủy, xin bà cho biết những thành tựu nổi bật mà mô hình CLB LTHTGN đạt được trong thời gian qua? Những hoạt động của CLB có tác động như thế nào đối với NCT và cộng đồng? Bà Trần Bích Thủy: Được thí điểm từ 2006, đến nay mô hình CLB LTHTGN đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. CLB đã trở thành một chỉ tiêu cần đạt trong các chiến lược, chương trình quốc gia về NCT, được Thủ tướng Chính phủ hai lần có quyết định phê duyệt Đề án nhân rộng ra toàn quốc, cũng như được đưa vào chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội NCT Việt Nam với các Bộ, ngành, tổ chức. Bà Trần Bích Thủy - thứ 5 từ phải sang - trong một buổi làm việc với Trung ương Hội NCT Việt Nam Mô hình CLB cũng đã được nhiều địa phương ghi nhận là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Ở cấp khu vực và quốc tế, mô hình vinh dự giành giải Nhất Giải thưởng Sáng kiến vì một Châu Á già hóa khỏe mạnh, hạng mục Sáng kiến dựa vào cộng đồng, năm 2020. CLB cũng được Ban Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc ghi nhận là thực hành tốt trong thúc đẩy Mục tiêu phát triển bền vững ở cộng đồng, được Tạp chí phố Wall (Mỹ) đánh giá là một trong mười sáng kiến toàn cầu về thích ứng già hóa dân số, được Kênh Tin tức Châu Á (CNA) của Singapore dành 30 phút giới thiệu trong chương trình dài hạn “Khi ta già đi” với tựa đề “Già đi cùng nhau”. Mô hình còn liên tục xuất hiện như một điển hình tốt trong các ấn phẩm của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á... Đạt được những kết quả này, chính là nhờ những hiệu quả toàn diện và bền vững của CLB. Năm 2017, Viện Già hóa Dân số thuộc Đại học Oxford (Anh) khi đánh giá các mô hình của NCT tại Đông Á và Đông Nam Á đã kết luận: CLB LTHTGN là mô hình duy nhất trong các mô hình được phân tích mang lại đồng thời các lợi ích cả về sức khỏe, thu nhập và hòa nhập xã hội một cách nhất quán theo thời gian. Năm 2024, một khảo sát gần 10.500 thành viên CLB cho thấy: 82,1% thành viên cho biết thu nhập được cải thiện, 99,6% sức khỏe tốt hơn, 99,7% tự tin hơn, và 99,9% nhận thấy cộng đồng gắn kết hơn. |
![]() Những tiếng cười sảng khoái từ CLB LTHTGN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội |
PV: Việc triển khai Đề án 1533 và 1336 của Chính phủ thời gian qua cho thấy những bài học kinh nghiệm gì đối với cấp ủy, chính quyền và Hội NCT các cấp, thưa bà? Bà Trần Bích Thủy: Đầu tiên, phải nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với việc thành lập và nhân rộng CLB. Đây là yếu tố then chốt để tạo niềm tin, đảm bảo tính hiệu lực cho việc huy động các nguồn lực và phối hợp liên ngành. Để đạt được điều đó thì Hội NCT các cấp cần chủ động tham mưu. Thứ hai, CLB cần được gắn chặt chẽ với chương trình hoạt động của Hội NCT các cấp. Khi trở thành nhiệm vụ thường xuyên, với chỉ tiêu cụ thể và đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm của Hội NCT các cấp, thì việc nhân rộng và hỗ trợ CLB sẽ diễn ra một cách chủ động, hiệu quả và bền vững. Tiết mục văn nghệ của CLB LTHTGN tỉnh Quảng Ngãi Thứ ba, Ban Chủ nhiệm CLB là chìa khóa thành công của mô hình. Cần ưu tiên thời gian cho việc lựa chọn các thành viên Ban Chủ nhiệm phù hợp; đảm bảo tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật đầy đủ, thường xuyên. Cần tạo điều kiện cho các CLB, địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa cách làm hay và thúc đẩy thi đua sôi nổi. Chú trọng ghi nhận, động viên, khen thưởng các Ban Chủ nhiệm và tình nguyện viên của CLB. Thứ tư, CLB không thể phát huy tối đa hiệu quả nếu không có sự hợp tác với các ngành. Sự phối hợp có hệ thống với các ngành như y tế, giảm nghèo, khuyến nông, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai… sẽ mang lại chiều sâu chuyên môn, tính bền vững và tăng hiệu quả tám mảng hoạt động của CLB. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: Các cơ quan chuyên môn có thêm kênh điều phối và triển khai tại cộng đồng, trong khi CLB được tiếp thêm nguồn lực và kĩ thuật cần thiết. Ra mắt CLB LTHTGN xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội Thứ năm, số lượng cần đi đôi với chất lượng. Chỉ nên thành lập CLB khi đảm bảo điều kiện: Có quỹ tăng thu nhập (khuyến nghị từ 50 triệu đồng khi thành lập), địa điểm sinh hoạt thuận tiện, Ban Chủ nhiệm CLB tốt và được tập huấn đầy đủ. Nhân rộng CLB phải gắn liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CLB đã thành lập. Hội NCT các cấp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ các CLB kịp thời, cả về cơ cấu tổ chức, nhân sự, các mảng hoạt động và quản lí tài chính. Cuối cùng, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả tích cực của mô hình CLB LTHTGN đóng vai trò quan trọng, giúp tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của NCT, người chưa cao tuổi, sự ủng hộ, hợp tác và chung tay của các bên liên quan. |

Tiết mục văn nghệ của CLB LTHTGN tỉnh Bắc Ninh
PV: Theo bà, trong thời gian tới, Việt Nam có cần tiếp tục nhân rộng mô hình CLB LTHTGN hay không? Tại sao? Bà Trần Bích Thủy: Theo tôi, việc tiếp tục nhân rộng CLB không chỉ cần thiết, mà còn nên là một ưu tiên chiến lược trong bối cảnh già hóa dân số nhanh và nguồn lực còn hạn chế tại Việt Nam. Già hóa không phải là xu hướng có thể đảo ngược - mà là tất yếu. Con người sẽ ngày càng sống thọ hơn và tỉ suất sinh ngày một giảm đi. Một báo cáo gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet dự báo rằng đến năm 2050, hơn 75% quốc gia sẽ không đạt mức sinh thay thế. Trước Việt Nam, nhiều quốc gia phát triển đã chi hàng tỉ đô la cho các chính sách khuyến sinh nhưng đến nay vẫn chưa tạo được thay đổi rõ rệt. Trong khi đó, nước ta đối mặt với nguồn lực hạn chế, áp lực phải bứt phá khỏi nguy cơ “bẫy” thu nhập trung bình, và thời gian chuyển đổi nhân khẩu học còn rất ngắn - dự kiến đến năm 2036 sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho các tập thể, cá nhân xuất sắc nhân rộng mô hình CLB LTHTGN Như vậy, trong chiến lược tổng thể thích ứng già hóa dân số, bên cạnh khuyến sinh và nhập cư, Việt Nam cần tập trung vào một trụ cột không thể thiếu: Đầu tư vào NCT - kéo dài thời gian khỏe mạnh, độc lập và phát huy vai trò của NCT. CLB LTHTGN chính là một mô hình có hiệu quả kép - vừa bảo vệ, vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò NCT ngay tại cộng đồng, với chi phí thấp và có thể huy động được các nguồn lực khác nhau. Đặc biệt, với cách tiếp cận liên thế hệ, CLB còn hỗ trợ lực lượng sẽ trở thành NCT trong tương lai chuẩn bị tốt hơn cho tuổi già của mình. Mô hình cũng phù hợp với Chiến lược Quốc gia về NCT đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, các Mục tiêu Phát triển Bền vững và nhiều khuyến nghị quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã tham gia. Bà Trần Bích Thủy thăm thành viên CLB LTHTGN được chăm sóc tại nhà Đặc biệt, CLB không còn ở giai đoạn thử nghiệm, chúng ta đã có nền móng, phương pháp rõ ràng, có hướng dẫn và hệ thống tài liệu đầy đủ và sự ủng hộ từ NCT, Hội NCT, cộng đồng và chính quyền. Cái thiếu hiện nay là độ phủ còn thấp và chưa đồng đều cả về số lượng và chất lượng CLB giữa các địa phương. Con số gần 9.000 CLB mới chỉ chiếm dưới 9% số thôn/bản/tổ dân phố trên cả nước. Nếu không có đề án kế tiếp sau 2025, mô hình có nguy cơ gián đoạn, lãng phí nguồn lực đã đầu tư và đánh mất đà phát triển. Tôi mong rằng những kết quả đã được chứng minh, cùng các bài học thực tiễn trong và ngoài nước, sẽ tiếp tục là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền và cơ quan liên quan đồng hành cùng Hội NCT, ủng hộ nguồn lực và coi việc nhân rộng CLB LTHTGN là một giải pháp chiến lược, một đầu tư cần thiết nhằm biến thách thức của già hóa dân số thành cơ hội, góp phần giúp Việt Nam có được lợi tức từ dân số bạc, hay dân số già trong tương lai gần, từng bước đảm bảo Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững. PV: Trân trọng cảm ơn bà Trần Bích Thủy! |
![]() |
Bài, ảnh: Thanh Hà Trình bày: Thanh Hà Đồ họa: Phương Mạnh |