Vì sao... môn Sử?
Cùng suy ngẫm 04/09/2020 08:40
Dù được "tạo điều kiện", song điểm thi môn Sử khiến nhiều người lo lắng, bởi môn thi này từ nhiều năm nay luôn là nỗi thất vọng. Điều gì đã xảy ra với môn thi chính thức suốt 4 năm qua, dù là môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp?
Để có thể hiểu được vấn đề nêu trên có lẽ phải bắt đầu từ bệnh thành tích trong các trường phổ thông. Đặc biệt là đối với các môn học không được xếp vào “diện ưu tiên” mà môn Sử là một trong những môn học được xếp vào diện đó. Đối với các môn học này, chỉ khi nào thi tốt nghiệp lãnh đạo các trường THPT mới quan tâm nhưng với mục đích là làm sao để cho tỉ lệ tốt nghiệp phải đạt trên 90% thậm chí là 100%. Với cách “quan tâm” như vậy, vô hình trung đã tạo ra cho các em học sinh thói quen lười học và nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Thế nên mấy năm gần đây, khi môn Sử đang dần trở thành môn điều kiện để đỗ tốt nghiệp, nhiều trường trở tay không kịp. Bên cạnh đó, nhiều ngành "hot" đại học đã giảm dần chỉ tiêu khối C, tăng thêm chỉ tiêu của khối xét tuyển khác… càng đẩy việc dạy và học môn Sử vào cảnh “chợ chiều”.
Ngoài ra, một vấn đề khác quan trọng không kém đó là chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn Sử ở các trường phổ thông. Không ít trường đội ngũ này vừa yếu lại vừa thiếu, đặc biệt là đối với các trường ở miền núi. Thực trạng dạy và học môn này chỉ là truyền thụ một chiều, cung cấp kiến thức một cách thụ động khiến bài giảng trở nên khô khan. Và hệ quả là làm cho học sinh chán nản không thích thú với việc học Lịch sử.
Xuất phát từ chỗ xem nhẹ bộ môn nên đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử cũng không được coi trọng dẫn đến tình trạng không đầu tư thời gian đổi mới phương pháp dạy học, thậm chí lên lớp cốt là để hoàn thành nghĩa vụ còn chất lượng bài giảng đến đâu, học sinh hiểu và học như thế nào không cần để ý. Còn khi kiểm tra và đánh giá chủ yếu yêu cầu học sinh học thuộc là chính, vừa nhàm chán, vừa xưa cũ…
Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử cần chỉnh lí nội dung cho phù hợp, trong đó, chú trọng giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới bằng cách liên hệ với thực tế, tăng giờ ngoại khóa, giờ trao đổi thảo luận và các tài liệu bổ trợ cho môn học như phim ảnh, truyện danh nhân, truyện lịch sử nhằm tăng tính chủ động, tìm tòi học hỏi và niềm say mê của các em. Khi kiểm tra và đánh giá, giáo viên không nên ra các đề đã có trong sách giáo khoa mà nên kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm như vậy sẽ phát huy được năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của học sinh… Muốn làm được như vậy rất cần sự nỗ lực và sự đồng thuận của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, từ các nhà quản lí giáo dục đến giáo viên và học sinh.