Sẵn sàng kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023
Giáo dục 27/06/2023 10:25
Kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Thừa Thiên - Huế |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia (CĐQG) Kì thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết: Tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hằng năm của ngành GD&ĐT và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của kì thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kĩ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kì thi bấy nhiêu.
Bộ GD&ĐT, Ban CĐQG kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương. Qua làm việc trực tiếp và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, có thể thấy, các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong chuẩn bị tổ chức kì thi.
Các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cùng với triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT, các địa phương còn có chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất việc tổ chức kì thi, như: Xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó.
Nhiều giải pháp ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao tiếp tục được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn, giảm thiểu cao nhất. Trong đó giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thí sinh, phụ huynh, giáo viên và toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này là vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lí theo pháp luật hiện hành.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ coi thi và làm công tác của kì thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ GD&ĐT đã quán triệt. Cụ thể, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lí các tình huống bất thường; “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lí tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. Việc thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là hướng đến một kì thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan, công bằng…