Vì sao không truy cứu hình sự đối với hành vi mang 5,2 triệu USD đi hối lộ?
Pháp luật - Bạn đọc 13/03/2024 11:19
Trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang được xét xử tại TAND TP Hồ Chí Minh, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc ngân hàng SCB đã thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng nêu và giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng, cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bị cáo buộc từ năm 2013 đến 2017 đã kí hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỉ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), ông Văn đã kí hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 192.000 tỉ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỉ đồng lãi phát sinh.
Theo đó, ông Văn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và tội “Tham ô tài sản”. Đối với hành vi trực tiếp mang 5,2 triệu USD hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) để “bịt” các sai phạm, bị cáo Văn được miễn trách nhiệm hình sự.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn tại phiên toà. |
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường cho biết, về nguyên tắc, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí.
Nếu hành vi vi phạm pháp luật đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, xác định là phạm tội và phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để phân hóa hành vi phạm tội, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, khuyến khích người thực hiện hành vi phạm tội khắc phục hậu quả, sửa chữa lỗi lầm, giảm bớt thiệt hại cho xã hội, pháp luật có quy định những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo)...
Khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lí bằng các biện pháp khác.
Điều này có nghĩa là, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật sẽ quyết định đến trách nhiệm hình sự. Nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ được xử lí bằng các biện pháp khác mà không phải là chế tài hình sự.
Ngoài ra, Điều 29, Bộ luật Hình sự cũng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.
Theo đó, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; hoặc khi có quyết định đại xá.
“Người phạm tội còn có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”, ông Cường phân tích.
Có thể thấy, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự nêu trên nên cơ quan tiến hành tố tụng đã ban hành quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là tinh thần xuyên suốt trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước trong việc thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.