Điều kiện để được “miễn trách nhiệm hình sự”
Pháp luật - Bạn đọc 17/01/2024 10:04
Ngày 12/1/2024, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với 38 bị cáo trong vụ án Việt Á. Trong số đó, bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương được Hội đồng xét xử (HĐXX) miễn trách nhiệm hình sự.
Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Danh “không phải bị oan”, HĐXX tuyên nội dung này là thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Do đó, đốí với bị cáo Danh sẽ không có việc xin lỗi, bồi thường như với người bị oan.
Dưới góc độ pháp lí, TS luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí. Nếu hành vi vi phạm pháp luật đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, xác định là phạm tội và phải chịu hình phạt.
Tuy nhiên, để phân hóa hành vi phạm tội, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật, khuyến khích người thực hiện hành vi phạm tội khắc phục hậu quả, sửa chữa lỗi lầm, giảm bớt thiệt hại cho xã hội, pháp luật có quy định những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo)...
Cụ thể, Khoản 2, Điều 8 BLHS quy định, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lí bằng các biện pháp khác.
Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật sẽ quyết định đến trách nhiệm hình sự. Nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ được xử lí bằng các biện pháp khác mà không phải là chế tài hình sự.
Điều 29 BLHS quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi có quyết định đại xá.
Ngoài ra, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận….
Bởi vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.
Theo TS Đặng Văn Cường, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay, không ít những cán bộ bị xử lí do “vượt rào”, làm trái công vụ, gây thiệt hại đến Nhà nước.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp làm trái công vụ nhưng không vì vụ lợi, mục đích chỉ để làm tốt hơn công việc. Chính vì vậy, khi thực hiện chính sách hình sự, Đảng và Nhà nước ta cũng có sự phân loại, phân hóa để khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, đột phá vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới hiện nay. Với tinh thần ấy, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đây là chính sách pháp luật mới, là tình hình mới và cũng là căn cứ để áp dụng Điều 29 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự cho những cán bộ vượt rào gây thiệt hại nhưng không vì vụ lợi.
Về trường hợp của bị cáo Danh, TS Đặng Văn Cường cho biết, về bản chất pháp lí, hành vi của bị cáo thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên việc điều tra, truy tố, xét xử và thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm giam là có căn cứ.
Quá trình giải quyết vụ án, Viện KSND đề nghị Tòa án xét xử bị cáo bằng thời hạn tạm giam, sau đó thay đổi quan điểm luận tội đối với một số bị cáo, trong đó đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo, trong đó có ông Danh.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Danh theo đề nghị của Viện KSND và luật sư bào chữa là có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo này dựa trên tinh thần của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng chống tham nhũng, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm theo các Nghị quyết của Đảng và Nghị định của Chính phủ.
Đây là sự thay đổi của chính sách pháp luật, làm chuyển biến tình hình khiến hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm nữa nên căn cứ vào chính sách pháp luật mới, chính sách hình sự, chính sách xét xử hình sự trong thời điểm hiện nay, việc Tòa án miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo này là phù hợp.