Vi phạm tố tụng, biến đất mồ mả thành thổ cư
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2021 18:01
Thậm chí đến thời điểm này, chi họ Trần mới nhận được bản án sơ thẩm, lại càng bất ngờ khi tại bản án, các anh Trần Duy Hưng và Trần Văn Dũng không phải người được chi họ Trần ủy quyền tham gia tố tụng. Trên thực tế, hai anh Hưng và Dũng không hề tham gia thủ tục tố tụng nào từ giai đoạn thụ lí đến xét xử. Có nghĩa, bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiền Hải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu thông đồng biến đất mồ mả thành thổ cư. Dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan chức năng ở Thái Bình sớm vào cuộc làm rõ, xử lí nghiêm theo quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của tổ chức, công dân…
Ngay sau ngày Chi cục Thi hành án dân sự huyện tổ chức cưỡng chế, theo phán quyết của Bản án sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 20/1/2021, của TAND huyện Tiền Hải, bà Trần Thị Năng, 73 tuổi, đại diện chi họ Trần tại xã Tây Giang, có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới Tạp chí Người cao tuổi. Theo đơn và lời trình bày của bà cho thấy: Quần thể xây dựng mồ mả trên diện tích 32m2 tại bìa làng thôn Bắc, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, là nơi an táng 3 đời của chi họ Trần, tồn tại đến nay đã gần 70 năm. Hiện hài cốt của 6 cụ Tổ vẫn yên vị tại đó, hằng năm con cháu xa gần đều về thăm viếng, hương khói. Thế nhưng năm 2020, sau khi Nhà nước quy hoạch khu vực liền kề thành Khu dân cư thôn Đông (giai đoạn 1), bỗng dưng gia đình ông Tạ Duy Hiển lại xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trong đó có diện tích đất an táng Tổ tiên của chi họ Trần và rao bán.
Trong quá trình tranh chấp, hòa giải tại xã cũng như tố tụng tại Tòa, bà Trần Thị Năng (ngành nhất) và ông Trần Văn Chính (ngành hai) đời thứ 5 của chi họ, là người đại diện duy nhất theo pháp luật của chi họ Trần tại xã Tây Giang, không được tham gia tố tụng. Mặt khác, chi họ Trần tại xã Tây Giang cũng không hề ủy quyền cho các cháu: Trần Duy Hưng, Trần Văn Dũng tham gia tố tụng. Và trên thực tế, các cháu Hưng, Dũng cũng khước từ toàn bộ thủ tục tố tụng của TAND huyện Tiền Hải. Thế nhưng, TAND huyện Tiền Hải vẫn chấp nhận đơn khởi kiện của gia đình ông Tạ Duy Hiển để đưa ra xét xử. Theo bà Năng, đây là có dụng ý, nhằm thông qua bản án để cướp đất trắng trợn. Rõ ràng, hành vi thông đồng để ban hành bản án trái pháp luật, đã hội tụ đủ các căn cứ cấu thành hành vi “Xâm hại mồ mả” theo quy định của pháp luật hình sự.
Bản án sơ thẩm số 01 của TAND huyện Tiền Hải |
Căn cứ quá trình tố tụng và nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS- ST ngày 20/1/2021, của TAND huyện Tiền Hải, lời kêu cứu khẩn cấp của bà Trần Thị Năng là có cơ sở. Bi hài là Hội đồng xét xử án sơ thẩm chỉ căn cứ vào sổ đỏ do ông Tạ Duy Hiển xuất trình, mà không thực hiện biện pháp trưng cầu giám định, để xác định sổ đỏ đó là thật hay giả, trong khi biết rõ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xác lập, không có hồ sơ thủ tục xét cấp? Đặc biệt hơn, ngày 19/11/2020, TAND huyện Tiền Hải tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, theo Quyết định số 18/2020/QĐ-XXTĐTC, nhưng không xác lập trên diện tích đất tranh chấp đó có hài cốt hay không, cho dù trên bia mộ còn ghi rõ tên tuổi các cụ Tổ chi họ Trần được an táng? Một thiếu sót không đáng có, Tòa không yêu cầu gia đình ông Tạ Duy Hiển giải trình, chứng minh quá trình quản lí, sử dụng 32m2 đất này.
Căn cứ duy nhất là khóm tre, mà Tòa xác lập làm cơ sở, nhưng trên thực địa chỉ chiếm diện tích rất nhỏ trong tổng thể diện tích đất tranh chấp, trong khi khóm tre đó lại do chính con cháu chi họ Trần trồng, nhằm chống xói lở khu mộ khi hợp tác xã đào mương tiêu tưới nước. Điều đáng ngờ nữa, TAND huyện Tiền Hải cố tình không tống đạt bản án theo quy định của pháp luật cho các bị đơn, cho đến tận ngày Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện biện pháp cưỡng chế, chi họ Trần mới được tiếp nhận bản án, nhưng đã hết thời hiệu kháng cáo. Đó có phải là thủ thuật, mánh lới của Tòa án, nhằm tiếp tay cho nguyên đơn chiếm đoạt diện tích đất mồ mả của chi họ Trần, cần phải được làm rõ.
Quá trình xác minh, phóng viên được các cụ cao tuổi tại thôn Bắc, xã Tây Giang cho biết: Nguồn gốc thửa đất an táng tổ tiên chi họ Trần, là đất được chia của địa chủ từ năm 1956. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia tộc họ Trần đã quy tập các cụ Tổ về an táng tại đó, đến nay đã gần 70 năm. Ngay bản đồ đo đạc địa chính của xã Tây Giang trước những năm 1990 còn lưu giữ, cũng thể hiện thửa đất đó được xác định là đất gò đống, mồ mả, không thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Tạ Duy Hiển. Thế nhưng, sổ đỏ lại đưa đất mồ mả đó thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Tạ Duy Hiển, là phi lí, có sự gian lận, móc nối hợp pháp hóa chiếm đoạt để bán kiếm lời.
Hiện trạng bia mộ chi họ Trần tại thửa đất đang tranh chấp |
Có nguồn tin còn cho hay, gia đình ông Tạ Duy Hiển đã nhận tiền đặt cọc bán thửa đất này cho người khác, trước khi khởi kiện vụ việc ra Tòa. Toàn bộ chi phí chạy chọt theo kiện do người mua đảm nhiệm. Nếu quả nhiên đó là sự thật, sẽ liên đới trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, từ chính quyền cấp xã đến các phòng, ban chuyên môn; các cơ quan tiến hành tố tụng ở huyện Tiền Hải.
Được biết, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chi họ, bà Trần Thị Năng đã có đơn khiếu nại giám đốc thẩm Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 20/1/2021, của TAND huyện Tiền Hải, đề nghị cấp có thẩm quyền tuyên hủy bản án trái pháp luật đó. Đồng thời, bà cũng có đơn gửi tới các cơ quan chức năng, tố cáo hành vi thông đồng gian lận trong việc cấp sổ đỏ, cũng như quá trình hoạt động tố tụng, ban hành bản án trái pháp luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm. Hai anh Trần Duy Hưng và Trần Văn Dũng cũng có đơn, tố cáo hành vi đưa các anh vào tham gia tố tụng trái pháp luật của TAND huyện Tiền Hải.
Trước sự thật hiển nhiên, không chi chỉ chi họ Trần ở xã Tây Giang mà dư luận xã hội đòi hỏi sự giải quyết công tâm, khách quan của các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tham vấn bảo lưu hướng tuyến xây dựng đường có dấu hiệu khuất tất? Sau khi Tạp chí Người cao tuổi đăng bài: "Cần điều chỉnh tuyến đường nối từ Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải đi cảng thủy ... |