UBND tỉnh Thái Bình cần chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm
Pháp luật - Bạn đọc 22/07/2023 10:02
Hiện nay, cụ Phả đã mất, cụ Khanh uỷ quyền cho con gái là bà Bùi Thị Minh, 64 tuổi, phản ánh đến các cơ quan chức năng làm rõ việc gia đình bị UBND xã Đoan Hùng, UBND huyện Hưng Hà cưỡng chế thu hồi đất vườn, ao, trong khi các hộ khác được thoả thuận mua bán…
Theo phản ánh, cụ Bùi Văn Độ và vợ là cụ Nguyễn Thị Truật sinh được 3 người con trai là Bùi Văn Phả, Bùi Văn Phách và Bùi Văn Hộ. Sinh thời, vợ chồng cụ Độ có thửa đất thổ cư, vườn và đất ao tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà. Trước khi mất, các cụ đã chia cho cụ Phả: 337m2 đất ở, 320m2 đất vườn và 2 ao diện tích 690m2 và 720m2. Năm 1993, Nhà nước có chính sách chia ruộng cơ bản cho người dân, gia đình cụ Nguyễn Thị Khanh (Bùi Văn Phả) có một khẩu được chia ruộng cơ bản, do điều kiện cụ Khanh không canh tác được ruộng cấy lúa ngoài đồng, nên Trưởng xóm 5 là cụ Bùi Văn Hộ đã trao đổi với ông Sơn (thời điểm đó là cán bộ ruộng đất xã Đoan Hùng) chuyển đổi diện tích đất ruộng cơ bản của cụ Khanh vào vườn ao được cụ Độ cho trước đó, ông Sơn đồng ý. Diện tích ruộng của gia đình cụ Khanh đựợc chia ở thời điểm năm 1993, theo Quyết định 652 của UBND tỉnh Thái Bình là 1 sào 1 thước. Đến năm 2000, thực hiện theo Quyết định 948 của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích ruộng cơ bản của cụ Khanh được chia bổ sung thêm 2 thước, tổng diện tích là 1 sào 3 thước. Tỉ lệ quy đổi theo quy định đối với đất ao là 1m2 đất ruộng = 4m2 đất ao; hoặc 1m2 đất ruộng = 1,5m2 đất vườn. Do vậy, gia đình cụ Khanh không được chia diện tích ruộng cơ bản ngoài đồng. Khi thực hiện chính sách thuế nhà đất và thuế nông nghiệp vào năm 1994, cụ Hộ là Đội trưởng đội sản xuất lập Sổ thuế xóm 5 để theo dõi việc nộp thuế. Trong sổ thuế xóm 5 năm 1994 thể hiện: STT cụ Phả (Khanh) là 187, diện tích cơ bản 1.1, diện tích 162m2, vườn quy 320m2, ao (4 lần) là 720m2, tổng tổ 537m2, nhà ở 150m2.
Bà Bùi Thị Minh chỉ khu đất bị cưỡng chế thu hồi. |
Theo Sổ hộ khẩu năm 1998 ghi nhận, cụ Nguyễn Thị Khanh nơi sinh và nguyên quán ở xóm 5 xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; nghề nghiệp trồng trọt, nơi làm ruộng như trên. Do tuổi cao sức yếu, cụ Khanh không có khả năng lao động nặng, nên năm 2001, ông Bùi Văn Phối (con trai thứ 2 của cụ Khanh) chuyển khẩu từ quận Kiến An, TP Hải Phòng về gia đình. Cụ Khanh đã giao cho ông Phối phần diện tích đất ao và vườn để tăng gia sản xuất.
Tuy nhiên, trong Thông báo số: 04/TB-UBND ngày 24/10/2014, của UBND xã Đoàn Hùng về kết quả xác minh nguồn gốc đất sử dụng ao của hộ gia đình ông Bùi Văn Phối đang sử dụng có ghi: “Năm 2000, thực hiện Quyết định 948 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Khanh và Bùi Văn Phối chưa chuyển khẩu về địa phương, nên chưa được chốt khẩu giao đất nông nghiệp”.
Trong khi đó, Sổ hộ khẩu năm 1998 của cụ Khanh do Công an xã Đoan Hùng cấp. Chỉ có ông Bùi Văn Phối chuyển khẩu năm 2001 từ Hải Phòng về gia đình. Thêm vào đó, dù gia đình cụ Khanh không thuê thầu khoán, nhưng năm 2017, UBND xã Đoan Hùng ra Thông báo số: 02/TB-UBND về việc chấm dứt giao thầu đất nông nghiệp thửa đất số 246, tờ bản đồ 04 đo đạc năm 2006, diện tích 1633,9m2 đất đối với hộ ông Bùi Văn Phối; Giao ban lãnh đạo thôn Tiên La tiếp nhận quản lí và tham mưu cho UBND xã tổ chức việc giao thầu diện tích đất trên theo hình thức đấu thầu công khai.
Gia đình cụ Khanh nhận thấy, việc thực hiện của UBND xã Đoan Hùng chưa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, nên đã làm đơn gửi UBND huyện Hưng Hà xem xét. Ngày 17/5/2019, UBND huyện Hưng Hà có Văn bản số: 356/UBND -TNMT về việc trả lời đơn của bà Bùi Thị Minh: Căn cứ hồ sơ, tài liệu quản lí đất đai tại UBND xã Đoan Hùng thì thửa đất số 246 diện tích 1.633,9m2 loại đất ao và thửa số 174 diện tích 143,5m2 loại đất trồng cây lâu năm thuộc tờ bản đồ số 4 là đất công ích do UBND xã Đoan Hùng quản lí. Việc bà Minh yêu cầu được bồi thường là không có cơ sở giải quyết.
Tuy nhiên, gia đình cụ Khanh, bà Minh cung cấp Sổ thuế xóm 5 và xác nhận của nhiều cán bộ, Nhân dân sinh sống xung quanh về khu đất vườn, ao của gia đình từ cha, ông để lại, cụ thể:
Xác nhận của cụ Hoàng Sỹ Trác, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà) khu vườn, ao sau đền Tiên La của gia đình cụ Độ (bố chồng cụ Khanh). Khu vườn ao này, gia đình cụ Độ đã nuôi, giấu nhiều cán bộ cách mạng trong thời kháng chiến chống Pháp. Ông Nguyễn Văn Chính, 71 tuổi xác nhận, đất, ao sau đền Tiên La là của cụ Độ. Cụ Độ để lại cho cụ Phả, cụ Khanh. Đất nông nghiệp có danh sách thực hiện theo Nghị quyết 652 và 948 của tỉnh của bà Khanh và xóm 5… Tuy nhiên, các xác nhận nói trên không được UBND xã Đoan Hùng, UBND huyện Hưng Hà xem xét.
Theo Bản đồ 299 và sổ mục kê năm 1986 thể hiện, diện tích kí hiệu T, thửa đất 225, diện tích 320m2 mang tên chủ sử dụng là cụ Phả (vợ là Khanh), diện tích này trong sổ mục kê năm 1986 ghi vườn ổi; Diện tích đất kí hiệu T thửa số 207 diện tích 337m2 mang tên chủ sử dụng cụ Phả (vợ là Khanh); Diện tích kí hiệu A thửa đất số 226 diện tích 720m2 mang tên chủ sử dụng là Phả (vợ Khanh); Bản đồ 299 thể hiện có kí hiệu A số thửa 239 diện tích 690 liền kề với thửa đất 226 diện tích 720m2, nhưng sổ mục kê năm 1986 không ghi chủ sử dụng.
Quá trình làm việc với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND xã khẳng định, đất trên do xóm, thôn trình lên để giao đầu, kế toán HTX còn lưu giữ. Nhưng khi phóng viên xác nhận lại với ông Bùi Văn Nhân, Trưởng thôn Tiên La, ông Nhân lại cho rằng, thôn không giao thầu hay thuê thầu, mà cái đó do xã. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đoan Hùng khẳng định: HTX không cho gia đình cụ Khanh, ông Phối thuê thầu, nên không có hồ sơ liên quan (!).
Bà Bùi Thị Minh cho biết: “Đất của gia đình tôi là do cha ông để lại. Nhưng ngày 30/1/2019 (25 tháng Chạp năm Mậu Tuất), UBND xã Đoan Hùng đã tiến hành cưỡng chế đất của gia đình mà không có quyết định, thông báo thu hồi đất. Dù gia đình có công với cách mạng, lịch sử Đảng bộ xã ghi nhận về việc gia đình nuôi nhiều lãnh đạo, cán bộ trong thời kì kháng chiến chống Pháp trên khu đất vườn, ao trên…
Phóng viên trao đổi với các hộ dân liên quan đến việc UBND huyện Hưng Hà thu hồi đất 3.414m2 để thực hiện Dự án Khu di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Đền thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, tại xã Đoan Hùng. Các hộ dân xác nhận được ông Đặng Vũ Nhã (thủ nhang đền Tiên La) cùng với lãnh đạo thôn đến từng nhà thoả thuận mua, chứ không có thông báo, quyết định thu hồi đất vào dự án trên. Câu hỏi mà dư luận người dân đặt ra là UBND huyện Hưng Hà căn cứ vào đâu để thu hồi đất gia đình cụ Khanh để thực hiện Dự án Khu di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Đền thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, tại xã Đoan Hùng? Trong khi ngày 6/9/2021, UBND tỉnh Thái Bình mới có Tờ trình số: 136/TTr-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Tiên La (kèm hồ sơ Dự án và Biên bản cuộc họp ngày 16/8/2020).
Theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khu vực bảo vệ di tích bao gồm 2 khu vực bảo vệ: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Từ đây có thể đặt nghi vấn, UBND huyện Hưng Hà khi thu hồi đất hay thoả thuận để mua đất của dân xung quanh có báo cáo UBND tỉnh Thái Bình hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không?
Được biết, ngày 15/8/2022, Vụ trưởng Vụ I Trần Bích Ngọc, thừa lệnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 5216/VPCP-V.I về việc chuyển 9 đơn trong đó có đơn của bà Bùi Thị Minh đến UBND tỉnh Thái Bình để xem xét, xử lí theo quy định của pháp luật.
Nên chăng, UBND tỉnh Thái Bình cần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cụ Nguyễn Thị Khanh, gia đình có công với cách mạng.