Tư vấn pháp lí về Bình đẳng giới và Quyền của Người cao tuổi
Nhịp cầu bạn đọc 22/10/2019 12:58
Hỏi: Gần đây tôi thấy nổi lên nhiều vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em, đặc biệt đau lòng là những hành vi bạo hành này xuất phát từ những người thân trong gia đình với nhau. Chính vì thế nạn nhân thường có tâm lí cam chịu, hàng xóm thì e ngại vì không muốn xen vào chuyện riêng, cơ quan đoàn thể hoặc không biết hoặc cũng có tâm lí né tránh, e ngại. Vậy xin hỏi, những hành vi nào được xem là hành vi bạo lực gia đình? Hành vi bạo lực gia đình bị xử lí ra sao?
Nguyễn Văn Thơ
(Tổ 29, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Các hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lí gây hậu quả nghiêm trọng;
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
Cưỡng ép quan hệ tình dục;
Cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, li hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Xử lí hành vi bạo lực gia đình:
Theo Điều 104 Bộ luật Hình sự, hành vi đánh đập, xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể là dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu,...
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lí vi phạm hành chính theo Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi trên.