Từ trang báo đến cuộc đời
Đời sống 21/06/2024 16:23
Với những người làm báo được một lần đến thăm, tác nghiệp giữa mệnh mông sóng vỗ là vinh dự, tự hào. Thông qua những tác phẩm viết về Trường Sa, để thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong đoàn công tác số 16 ra thăm huyện đảo Trường Sa có 7 phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Lần đầu được ra Trường Sa, hành trang tôi mang theo là những ấn phẩm Tạp chí Người cao tuổi đem ra tặng quân và dân đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.
Đây là cơ hội để các phóng viên được tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sĩ ở nơi đảo xa qua ống kính nhiếp ảnh, qua từng bài viết. Trên đảo xa, giữa nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình thân, dù còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Lê Nguyên Phú, Báo Tin tức cho biết: “Để có được những bức ảnh tư liệu quý giá về Trường Sa, Nhà giàn DKI là cả một sự kì công, vất vả, khó khăn, song với tình yêu quê hương, yêu biển đảo, cánh nhà báo chúng tôi khi đến với các đảo đều cố gắng ghi lại những tấm ảnh đẹp để mang về đất liền tuyên truyền, cổ vũ, lan tỏa về ý chí kiên cường, những hi sinh gian khổ của Nhân dân và cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...”.
Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thiện Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP Cần Thơ chia sẻ: “Nghề nhiếp ảnh là “nghề xê dịch”, “nghề đi và sáng tác”. Có đi thì mắt mới thấy, tai mới nghe, để có tư liệu mà phản ánh hiện thực cuộc sống qua tấm ảnh, thước phim. Cái may và cũng là cái vất vả của nghề là được đi và phải đi, thậm chí là dấn thân nơi khó khăn, gian khổ... Nhưng có lẽ, trong cuộc đời của mỗi người, được đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một niềm vinh dự lớn, luôn đọng lại những ấn tượng khó phai, dù điều kiện tác nghiệp ở đó không hề đơn giản. Bởi, Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, nơi có những con người can trường, bản lĩnh, ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc - chính là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng cho những ý tưởng sáng tác của cánh nghệ sĩ chúng tôi”.
Gần 10 ngày đến với Trường Sa đầy ắp những kỉ niệm khó quên, những cảm xúc bồi hồi khó tả; trở về đất niền những ngày qua, nỗi nhớ Trường Sa cứ day dứt khôn nguôi, để rồi cứ mỗi lần nghe thấy hai tiếng Trường Sa lại thấy cồn cào, da diết. Nhà báo Phạm Thị Ngân, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tâm sự: “Có ra Trường Sa tác nghiệp, có tận mắt chứng kiến ý chí, nghị lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ mới thấy mình lạc quan hơn, yêu đời hơn, suy nghĩ tích cực hơn và trách nhiệm nghề nghiệp của mình càng được đề cao hơn. Chính vì thế, mỗi bài báo, mỗi tấm ảnh, mỗi thước phim phản ánh về Trường Sa, luôn chứa đựng trong đó tất cả niềm đam mê tìm tòi sáng tạo, gửi gắm tình cảm và trách nhiệm chính trị của nhà báo hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc".
Nhà báo Đình Hưng xúc động nói: "Nhớ lắm Trường Sa ơi, nhớ từ khi chúng tôi hồi hộp đặt chân tới cảng Cát Lái, bước lên tàu KN 290. Nhớ lúc cả tàu vỡ òa niềm vui khi sau 2 đêm một ngày lênh đênh trên biển, vào lúc mờ sáng, đảo Len Đao hiện ra trước mắt. Ai cũng muốn được nhanh chóng xuống xuồng vào đảo. Nhớ mãi cái cảm giác lắc lư trên tàu; nhớ sự chao đảo, nhấp nhô trên từng con sóng khi xuống xuồng vào đảo; nhớ những lúc một tay vịn xuồng một tay cầm máy ảnh cố chụp cho được những khoảnh khắc đẹp, những hình ảnh các chiến sĩ Hải quân ôm súng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Nhớ từ dáng đứng bồn chồn, vui mừng khôn xiết của người lính đảo khi đón đoàn từ đất liền ra thăm; nhớ những con người da sạm đen vì nắng gió, mưa sa Trường Sa nhưng rất quả cảm, hiên ngang giữa biển khơi; nhớ những tiếng hô “Xin thề” tưởng chừng tới vỡ lồng ngực tại các lễ chào cờ trên đảo; nhớ vẻ tất bật, bận rộn khi đón khách trên đảo, và vẻ thẫn thờ, lưu luyến khi phải chia xa cứ theo mãi bước chân của nhà báo và các thành viên trong đoàn.
Nỗi nhớ Trường Sa còn nhiều lắm trong nhà báo Đặng Thị Loan, đó là khoảng lặng của mỗi người trong phút giây tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh anh dũng khi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Nhớ lắm Len Đao, Song Tử Đông, Sinh Tồn B, An Bang, Trường Sa lớn, Nhà giàn DK1/9... nhớ cả tàu KN 290. Nơi nào cũng thấm đẫm bao kỉ niệm không thể nào quên.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thiện Thanh Tùng cho biết thêm, đối với mỗi người dân Việt Nam được đến thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI nói chung và đặc biệt là được tác nghiệp chụp ảnh ở Trường Sa luôn là niềm ao ước một lần trong đời. Hành trình đến với mỗi hòn đảo ở Trường Sa ai cũng đều có cảm xúc đặc biệt mà tác nghiệp ở đất liền không thể nào có. Được tiếp xúc với quân và dân Trường Sa, được phản ánh cuộc sống, tinh thần các chiến sĩ ở nơi đảo xa qua ống kính nhiếp ảnh. Mỗi một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh khi được thấy những hình ảnh như vậy đều hết sức xúc động. Trên đảo xa, giữa nơi nghìn trùng sóng vỗ nhưng mọi người vẫn đoàn kết, tạo nên không khí ấm cúng tình thân, dù còn nhiều khó khăn.
Nhà báo Nguyễn Thị Nhi, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chia sẻ, điều ấn tượng nhất là hằng đêm, mỗi nhóm nhà báo phải chuẩn bị một bản tin phát thanh nội bộ. Không có mạng Internet, mạng điện thoại di động; đồng thời, quá trình soạn thảo văn bản, máy tính luôn lắc lư theo nhịp sóng đánh vào thân tàu. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, vất vả, mỗi nhà báo đã hoàn thành bản tin có độ dài trên 20 phút.
Cho dù phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thời gian lưu lại của đoàn trên đảo không nhiều, nhưng các phóng viên đã quay phim, chụp ảnh, ghi chép thông tin với nỗ lực hết mình, tận dụng tối đa thời gian để bám sát các hoạt động của đoàn. Những hình ảnh hiên ngang, vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió, các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, tham gia sản xuất của bộ đội, tình cảm của các đại biểu dành cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều được ghi lại một cách chân thực nhất.
Trải qua gần 10 ngày lênh đênh trên biển, thăm 6 đảo và Nhà giàn DK1/9, trong điều kiện môi trường tác nghiệp khắc nghiệt, nhưng hàng trăm hình ảnh, những câu chuyện về biển, đảo và sự hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa được thể hiện đậm nét, nhân văn. Qua đó nhắc nhở những người làm báo ở Tạp chí Người cao tuổi phải xem tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và vinh dự.