Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của huyền thoại

Nghiên cứu - Trao đổi 25/04/2025 09:41
Từ sau Hiệp định Paris đến cuối năm 1974, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển thuận lợi. Ở miền Nam, quân và dân ta chủ động đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, buộc chúng phải quay về giữ các đô thị, các vùng giao thông huyết mạch và địa bàn có ý nghĩa chiến lược trọng yếu. Trên miền Bắc, các quân đoàn, binh đoàn chủ lực lần lượt ra đời. Đường Trường Sơn - tuyến vận tải chiến lược chi viện cho miền Nam tiếp tục phát triển, áp sát các chiến trường…
![]() |
Ảnh tư liệu |
Lúc này, vùng giải phóng Tây Nguyên được mở rộng và nối liền thành một vùng căn cứ tương đối hoàn chỉnh, tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn từ miền Bắc có thể vào tận chiến trường Nam Bộ. Nhưng do địch vẫn làm chủ Đức Lập (Nam Tây Nguyên) nên khi qua đây, tuyến đường này phải vòng qua Campuchia trước khi vào tới Nam Bộ. “Khơ me đỏ” đã nhiều lần chặn xe, giết người, cướp của, đồng thời luôn đòi ta phải rút bỏ con đường. Chính vì thế, chủ trương của ta trong bước mở đầu của kế hoạch năm 1975 là mở chiến dịch Nam Tây Nguyên nhằm giải phóng Đức Lập, nắn tuyến vận chuyển thông suốt hoàn toàn trên đất Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu ta đánh chiếm Đức Lập, địch sẽ từ Buôn Ma Thuột (cách Đức Lập 50km) tiến hành phản kích thì chủ trương “nắn đường” của ta sẽ gặp trở ngại lớn. Vì vậy, sau khi nghiên cứu các khả năng, ta đã chuyển sang mục tiêu lớn hơn là đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột, giải phóng một trung tâm chính trị và đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên. Như vậy, ta đã khoác lên chiến dịch Nam Tây Nguyên một tầm cỡ mới. Lúc này, Đức Lập không còn được coi là mục tiêu chiến dịch mà chỉ là một mục tiêu tác chiến quan trọng. Và chiến dịch Nam Tây Nguyên thực tế đã trở thành chiến dịch Tây Nguyên.
Do ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm đại diện Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ.
Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên (mật danh là Chiến dịch 275) được thành lập trên cơ sở Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận Tây Nguyên, do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính uỷ. Bộ Tổng tư lệnh còn phái vào nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm để tăng cường sức mạnh trong giải quyết các vấn đề tác chiến cũng như hậu cần, vận tải... Thường vụ Khu uỷ khu 5 và các Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Pleiku, Kon Tum cũng thành lập các cơ quan tham gia chiến dịch.
Về binh lực, ngoài 2 sư đoàn thiện chiến của mặt trận Tây Nguyên (Sư 10 và Sư 320A), ta tăng cường thêm 2 sư đoàn (Sư 968 và Sư 316) và một số trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng kĩ thuật (tăng, pháo, đặc công, công binh,...) cho Chiến dịch. Ngoài ra, còn có sự tham chiến của Sư 3 Sao Vàng, Trung đoàn 95A của Quân khu 5. Như vậy, trên Tây Nguyên ta đã có một Tập đoàn quân khá hùng hậu, so sánh lực lượng là tương đương giữa ta và địch.
Sau gần 25 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch kết thúc với sự thành công trên cả mong đợi. Kết quả, ta đã tiêu diệt 4.500 tên địch, bắt sống 16.822 tên, ra hàng và được phóng thích tại chỗ 7.190 tên; ta bắn rơi 44 máy bay, phá hủy 110 chiếc, thu và phá hỏng 17.188 súng pháo các loại, 1.096 xe các loại, 767 máy thông tin, thu toàn bộ kho tàng, thiết bị chỉ huy, cơ sở chữa cháy của ngụy ở Tây Nguyên; giải phóng 5 tỉnh Tây Nguyên: Con Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bồn, Quảng Đức. Hơn 60 vạn Nhân dân các dân tộc giành quyền làm chủ.
Trên đà thắng lợi, từ 25/3 đến 3/4/1975, các sư đoàn Tây Nguyên tiến xuống đồng bằng, cùng lực lượng vũ trang tại chỗ giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... và các đảo duyên hải Khu V. Tiếp đó, theo đà phát triển thần tốc, các sư đoàn Tây Nguyên trong đội hình Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào Ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử.