Trong ngôi làng dệt sắc màu thổ cẩm
Văn hóa - Thể thao 13/10/2024 10:02
Gian khó dựng lại màu thổ cẩm
Chẳng ai có thể nghĩ đến một ngày, thổ cẩm Cơ Tu của chị em phụ nữ ở Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang dần có mặt trên thị trường, mang lại thu nhập cho những phụ nữ của làng, và gìn giữ được nét đẹp cho những thế hệ sau như bây giờ. Bởi làng một thời gian dài thăng trầm, nghề dệt tưởng như đã lụi tàn và không thể cạnh tranh nổi với những sản phẩm may sẵn khác.
Sau những tháng ngày mai một, nghề dệt thổ cẩm đã được phục hồi tại cộng đồng Cơ Tu nơi này |
Ngày nào cũng vậy, không ở Nhà Gươl của làng, thì lại ở những ngôi nhà của chị em phụ nữ Tà Lang - Giàn Bí luôn rôm rả tiếng cười nói của các chị em Tổ dệt thổ cẩm Cơ Tu. Chị Đinh Thị Tin (ở thôn Giàn Bí) vừa ngồi bên khung cửi, vừa hướng dẫn cho mấy chị em trong thôn về thổ cẩm của làng mình, thi thoảng lại gật đầu như tâm đắc với nghề dệt thổ cẩm của làng. Người ở Tà Lang - Giàn Bí chẳng ai nhớ nghề dệt thổ cẩm này có từ khi nào. Nhưng đã có một thời cả làng chẳng còn ai biết dệt thổ cẩm nữa. Những năm trước, chị em phụ nữ chỉ biết lên nương rẫy chứ không biết đến nghề dệt, không biết khung dệt hình dáng ra sao. Nhìn đồng bào mình ở các vùng khác của Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) hay Nam Đông (Thừa Thiên Huế) trình diễn dệt thổ cẩm hay thế, mặc thổ cẩm đẹp thế, bàn tay khéo quá mà phụ nữ Cơ Tu nơi này lại không làm được.
Năm 2018, huyện Hòa Vang đã mời nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm từ các nơi ở Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) hay Nam Đông (Thừa Thiên Huế) về dạy dệt vải cho phụ nữ ở Hòa Bắc. Hơn 40 chị em ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí ai cũng háo hức đến lớp, càng học lại càng yêu thích nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Rồi sau khi được dạy cho từng đường mũi, từng nét hoa văn, từng cách bện chỉ xe sợi. Những tấm thổ cẩm cứ thế lần lượt hoàn thành, đưa tới những người làng sử dụng.
Chị Đinh Thị Tin, thành viên tổ liên kết dệt thổ cẩm |
Tiếng lách cách từ khung dệt vang lên đều đều theo nhịp tay của các chị. Những đôi tay hằng ngày quen với việc phát nương, làm rẫy đầy thô ráp nhưng khi ngồi bên khung dệt trở nên mềm mại, khéo léo và tỉ mẩn để luồn từng hạt cườm, se từng sợi chỉ với một khát khao duy nhất là khôi phục nghề dệt vải truyền thống đã mai một từ lâu. Chị Nguyễn Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Lang, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu ở Hòa Bắc đang được chính quyền và Nhân dân quyết tâm hồi sinh và phát triển. Bởi đây chính là giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo, là niềm tự hào của người dân Cơ Tu. Nghề dệt của làng giờ đang hồi sinh lại rồi.
Chuyện kể của những gam màu
Thời gian gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến. Đồng thời, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trên địa bàn giữ gìn, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm. Đây là cơ hội để đồng bào Cơ Tu giới thiệu, quảng bá dệt thổ cẩm vào trình diễn, phục vụ du lịch. Qua đó, bà con vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống.
Chị Đinh Thị Tin chia sẻ, để có được các sản phẩm thổ cẩm đẹp, phong phú, các chị phải thật sự kiên trì với đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo. Các loại hình hoa văn đa dạng tùy theo người dệt, nhưng tựu chung lại đều hướng đến hoa, cỏ, biểu tượng quen thuộc gắn với đời sống đồng bào. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm dệt được tạo ra đều như một tác phẩm nghệ thuật gắn vào đó là tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mĩ, sự thông minh sáng tạo, tinh thần lao động của chị em, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm. Cuộc sống bây giờ khá giả hơn trước nên đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp mới bán được. Nhiều người thích những tấm thổ cẩm này lắm. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách… để dễ bán hơn.
Mỗi quy trình sản xuất ra một sản phẩm cũng trở thành một câu chuyện để hấp dẫn du khách |
Khi du lịch ở địa phương đã phát triển hơn, du khách trong và ngoài nước tìm đến đông hơn, bên cạnh giá trị độc đáo về tạo hình, sản phẩm dệt thổ cẩm không đơn thuần mang lại giá trị kinh tế, mà chính quy trình sản xuất ra một sản phẩm cũng trở thành câu chuyện để truyền đạt cho du khách. Du khách khi đến tham quan có thể đến nhà các cô, các chị để tận mắt xem quy trình chuốt chỉ, vào khuôn, kéo sợi…
Đôi tay thoăn thoắt cùng những câu chuyện thú vị về bất kì loại họa tiết nào trên sản phẩm cũng mang lại cho du khách sự tò mò, kiến thức mới lạ, hấp dẫn. Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bằng nhiều cách được lan tỏa đi khắp nơi, lưu truyền và bảo tồn. Phụ nữ Cơ Tu giờ không chỉ bó hẹp trong không gian gia đình, bản làng mà giao lưu văn hóa với bạn bè khắp nơi trên cả nước và thế giới, được tự hào giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc mình.
Hiện nay, tổ liên kết dệt thổ cẩm của đồng bào Tà Lang - Giàn Bí có khoảng 20 thành viên với quy mô hoạt động theo hộ gia đình với thu nhập trung bình 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng và là ngành sản xuất “không khói”, đây là mô hình được khuyến khích và quan tâm hỗ trợ. Các chị không còn là người thợ, mà trở thành người thầy, người kể chuyện, hướng dẫn viên và lan tỏa các giá trị văn hóa Cơ Tu đến với mọi người.
Ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Hòa Vang cho biết, chính quyền TP Đà Nẵng đã xây dựng đề án, có chính sách đầu tư, hỗ trợ các địa phương bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm Cơ Tu. Nỗ lực chung tay của các ngành chức năng và người dân bản địa đã thúc đẩy văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang được hồi sinh, phát triển.
Sau những tháng ngày mai một, nghề dệt thổ cẩm được phục hồi tại cộng đồng Cơ Tu nơi này.