Trách nhiệm không chỉ riêng ai
Đời sống 28/03/2023 09:51
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài và chỉ nên mua, sử dụng các thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín. Ăn chín uống sôi; hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái. Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, màu sắc lạ. Nên sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến. Bảo quản kĩ thực phẩm bằng cách che, đậy trong hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng...
Bên cạnh đó, Cục ATTP còn yêu cầu các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán… phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, chấp hành đúng các quy định về đăng kí, tự công bố sản phẩm, phân phát sản phẩm…
Trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nấu ăn để cấp phát miễn phí cần bảo đảm: Nguyên liệu dùng để chế biến phải còn hạn sử dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khu vực chế biến, nấu ăn phải sạch sẽ, cách biệt với các nguồn ô nhiễm; dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín riêng biệt, bảo đảm vệ sinh; có đủ nước sạch để sử dụng, có nơi rửa tay, thực hiện rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm; có thùng đựng rác, bảo đảm có nắp đậy. Đồng thời tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Lưu ý các điều kiện về nhiệt độ bảo quản; các biện pháp phòng, chống bụi bẩn, côn trùng… phương tiện vận chuyển và dụng cụ bảo quản không làm ô nhiễm thực phẩm.
Thực tế thời gian qua, trong cộng đồng có rất nhiều hộ dân, tổ chức xã hội, hội thiện nguyện… chế biến thức ăn để phân phát miễn phí đến người dân, các bệnh viện có yêu cầu.
Để tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP), phòng các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Cần Đước (tỉnh Long An) đã yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
UBND huyện cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm Y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ khâu cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực, nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân ngộ độc, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động truyền thông về ATTP; khuyến cáo người dân cách lựa chọn thực phẩm an toàn; những nguyên tắc và quy định về ATTP trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển đến người tiêu dùng, hướng dẫn phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người; không chỉ làm giảm gánh nặng bệnh tật, tăng cường khả năng, hiệu suất lao động mà còn nâng cao sự phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội.
Tiếp cận với thực phẩm an toàn là quyền đối với mỗi con người. Để nâng cao nhận thức cho Nhân dân về an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm, các ngành chức năng cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.