TP Đà Nẵng: Nỗ lực tạo sinh kế cho người lao động mất việc làm vì Covid-19
Đời sống 05/11/2021 12:18
Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động vượt khó
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội; đồng thời ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng chục ngàn lao động ở địa phương. Theo thống kê, hiện nay, toàn TP Đà Nẵng có hơn 27.308 doanh nghiệp hoạt động, với hơn 363.000 lao động. Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, mất việc làm, khiến cho nhiều người trong số họ trở thành lao động phi chính thức, việc làm không ổn định. Do dich Covid-19, ở TP Đà Nẵng có hơn 2.225 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 538 doanh nghiệp giải thể; hơn 58.000 người bị mất việc làm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ gia đình có NCT.
Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và sáng tạo từ thành phố đến địa phương, TP Đà nẵng đã khắc phục những khó khăn, thách thức, cố gắng vượt bậc nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. |
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Đà Nẵng, tính đến ngày 28/10, Bảo hiểm xã hội TP.Đà Nẵng đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho 146.012 người. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ là hơn 353,2 tỉ đồng, gồm: chi cho 131.565 người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, gần 324,6 tỉ đồng; chi cho 14.447 người lao động nghỉ việc đang bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 28,6 tỉ đồng.
Tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, các sở, ngành của TP Đà Nẵng đã giải quyết kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề... giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới, duy trì các hoạt động dịch vụ mà nhiều lao động là NCT còn sức khoẻ, có kĩ năng tham gia, đồng thời duy trì và phát huy các sản phẩm làng nghề cung cấp hàng hoá phục vụ du lịch và sinh hoạt để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Qua đó, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát đời sống người dân sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định, để làm cơ sở tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người dân, NCT là người lao động, nhất là NCT làm việc không có hợp đồng lao động.
Về phía cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường kết nối, tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời việc tuyển dụng lao động, cung cấp thông tin để kết nối cung - cầu lao động, tư vấn cho người lao động về việc làm; nâng cao năng lực cho sàn giao dịch việc làm, mở rộng nhiều kênh cung cấp thông tin thị trường lao động, để kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Để thiết thực góp phần bảo đảm việc làm cho NCT còn điều kiện làm việc, các cấp Hội NCT thành phố cần rà soát, nắm chắc số lượng, tình trạng NCT thuộc đối tượng này, một mặt đề xuất với chính quyền có giải pháp hỗ trợ về sinh kế, bảo đảm đời sống, giới thiệu việc làm.... Mặt khác, các cấp Hội NCT cũng cần tuyên truyền, vận động hội viên, NCT nỗ lực vươn lên, phát huy khả năng và chủ động tìm kiếm các công việc phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Hội NCT cơ sở cần chú trọng phát huy vai trò của các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (nếu có) và các hình thức hỗ trợ khác như phối hợp cung cấp thông tin tuyển dụng lao động, liên kết dạy nghề, hỗ trợ phương tiện, cho vay giống vốn sản xuất, kinh doanh… để tạo việc làm, thu nhập cho NCT.
Cùng với những giải pháp tích cực của chính quyền thành phố; sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp Hội NCT và tinh thần “Tuổi cao, chí càng cao” của NCT, tin rằng người dân, người lao động và NCT thành phố Đà Nắng sẽ sớm vượt qua khó khăn, đẩy lui dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh để phát triển đời sống trong trạng thái bình thường mới.