Tỉnh Thanh Hóa cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác đá
Pháp luật - Bạn đọc 17/08/2019 14:15
Điều đáng lưu ý là mặc dù từ năm 2014 đến 2018 các doanh nghiệp này đã nộp tiền thuê đất và nhiều lệ phí khác nhưng đến nay họ vẫn chưa được cấp phép.
Nhiều chủ mỏ đá lo lắng khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm khai thác mỏ đá |
Bà Phạm Thị Hằng, Phó Giám đốc Công ty Minh Thức cho biết: "Công ty Minh Thức được cấp phép khai thác mỏ đá từ năm 2007. Năm 2011 các cơ quan của tỉnh về kiểm tra, đánh giá lại trữ lượng đá vôi và chấp thuận điện tích cho mở rộng theo Quyết định số 3922 ngày 4/6/2013 của UBND tỉnh. Theo đó Công ty nhận thông báo của cơ quan Thuế yêu cầu nộp tiền cấp quyền sử dụng đất. Cụ thể: năm 2017 nộp 143.565.256 đồng, năm 2018 nộp 228.047.887 đồng, năm 2019 nộp 228.047.887 đồng (tổng 599.661.030 đồng) nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thấy khối tài sản là mấy móc bị hen rỉ, Công ty Minh Thức cho công nhân ra thu gom đá thải trước đó để xay lại, tạo việc làm cho công nhân và bảo dưỡng máy móc thì các cơ quan chức năng lên lập biên bản và họ nói “phải đóng cửa các công ty vì chưa được cấp phép”, chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng điều nặng nề nhất chúng tôi đang phải gánh chịu là tiền lãi ngân hàng, máy móc thiết bị bỏ không hư hỏng, công nhân không có việc chúng tôi không có lối thoát..."
Cùng chung hoàn cảnh, ông Trịnh Đình Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Trường bức xúc cho biết: Năm 2014, Công ty Xuân Trường hoạt động theo Giấy phép số 09, ngày 15/1/2014 do Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cấp. Sau vụ nổ mìn làm chết gần chục người tại một mỏ đá trên địa phận xã Yên Lâm, nên đầu năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo các daonh nghiệp khai thác đá bằng phương pháp cắt dây từ trên đỉnh núi xuống.. Cũng từ đó đến nay, Công ty TNHH Xuân Trường luôn có 375 lao động, tổng đầu tư hơn 56 tỷ đồng để mua máy móc khai thác, chế biến đá. Để thuận tiện cho việc khai thác và vận chuyển đá từ đỉnh núi xuống nhà máy để xẻ, xay đá hầu hết các công ty đều xin mở rộng diện tích mỏ. Ngày 8/2/2017, Sở TN&MT đã họp với 9 đơn vị và cơ quan chức năng liên quan tổ chức Hội nghị, sau đó kiểm tra thực địa khu vực Công ty TNHH Xuân Trường xin mở rộng diện tích khai thác mỏ đá vôi 6 ha tại khu Hang Cá, xã Yên Lâm. Các ban, ngành đã ký biên bản đồng ý phần diện tích núi đá do Công ty xin mở rộng. Ngày 28/8/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3261 phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền hoàn trả kinh phí thăm dò đối với khu vực mở rộng mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi đá nêu trên, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định. Thế nhưng, gần một năm trôi qua Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng, đây là đất rừng tự nhiên nên chưa cấp phép, mặc dù khi thăm dò Sở này đã ký chấp thuận đầu tư”.
Mặc dù đã nộp các khoản tiền nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được cấp lại phép khai thác đá |
Tại Công ty TNHH xây lắp điện và Xây dựng thủy lợi Thăng Bình (gọi tắt là Công ty Thăng Bình) do ông Nguyễn Đăng Tạo làm Giám đốc tâm sự: “Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về thay đổi công nghệ khai thác, do đặc thù khu mỏ diện tích chiều rộng chỉ có 60m vách đá dựng đứng không có đường lên đỉnh núi, mặc dù khó khăn như vậy, nhưng công ty đã tìm cánh khắc phục mở đường đi từ phía sau để di chuyển được 3 máy múc và nhiều phương tiện khác lên tận đỉnh núi cao, để phục vụ cho việc cắt đá bằng dây. Sau khi cắt được đá điều quan trọng nữa là không có đường đưa đá xuống, mà ném xuống thì đá cũng vỡ như đánh mìn. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm khắc phục và nghĩ ra sáng kiến là thiết kế hệ thống ròng rọc dài 220m, dộ dốc 300, khả năng chịu tải 20 tấn để đưa đá từ đỉnh núi xuống khu khai trường, kinh phí xây dựng hệ thống ròng rọc mất trên 2 tỷ đồng”.
Cũng như các công ty khác, để khai thác đá bằng công nghệ cắt dây, ông Tạo đã nộp tiền phí và lệ phí khai thác tài nguyên đá theo quy định của tỉnh, đồng thời đã làm quy trình xin mở rộng mỏ để có đường lên núi. Nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, Công ty vẫn chưa được cấp giấy phép khai thác.Hiện nay công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào để mua sắm thiết bị hiện đại, nhằm thực hiện tốt cho việc khai thác đá bằng công nghệ cắt dây, không những chỉ khai thác đạt hiệu quả mà hiện nay công ty đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm công nhân do vậy rất cần tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cấp phép khai thác để công ty ổn định sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn xã Yên Lâm đang “kêu cứu”, do việc chưa được cấp phép khai thác dẫn đến việc khai thác bị sai phạm do vậy vừa qua. Ngày 14/6/2019, Văn phòng UBND tỉnh đã ra Thông báo số 125 về việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép khác thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm tra lại diện tích rừng tự nhiên là núi đá đã được quy hoạch làm vật liệu xây dựng tại xã Yên Lâm để tham mưu cho tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Sở NN&PTNN cho rằng, “vướng” một số quy định tại Nghị định 156/CP/2019, ngày 16/11/2018, của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, về một số điều của Luật Lâm nghiệp. Nếu chiếu theo Điều 4. “Tiêu chí rừng tự nhiên” thì khu vực này rất ít cây than gỗ, không có tre nứa, nhưng không hiểu vì sao Sở NN&PTNT lại nghiên cứu lâu đến thế, mặc dù trước đó Sở này đã ký biển bản bàn giao thực địa.
Vấn đề là, trước quy định của Nghị định 156/CP có hiệu lực, hàng chục mỏ đá đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quyết định của UBND tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng họ đã phải chờ “dài cổ”, để rồi buộc phải vi phạm do khai thác đá trên diện tích họ đã nộp tiền mua trước đó. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấn chỉnh và chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh quy hoạch, để ổn định sản xuất, giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ bị phá sản.